Sướng khổ lấy chồng gần

Có câu: “Con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho”. Thế mà từ hồi lấy chồng, cách nhà mình có mấy chục bước chân chưa lần nào mẹ chị Lan có diễm phúc được hưởng niềm vui ấy.

Nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi 4 đứa con nhưng chưa khi nào Lan thiếu tiền đóng học. Miệt mài đèn sách, đến gần ngày thi đại học chị lại sốt virus, bỏ lỡ giấc mơ trở thành một phiên dịch.

Nhìn những giọt nước mắt rơi dài trên má mẹ, Lan cũng sụt sùi theo. Lúc đó chị quyết tâm đi làm đỡ đần mẹ và chăm sóc các em. Kiếm được chân bán quần áo trên phố Huế, Lan yên lòng vì đã chia sẻ được gánh nặng với mẹ.

Thời gian đó, chị chưa nghĩ đến chuyện yêu đương, vì mặc cảm nhà nghèo và trong lòng chưa rung động với ai. Có mấy anh chàng theo đuổi nhưng vẻ thờ ơ của chị khiến họ chạy mất.

Thế rồi, run rủi thế nào, chị xiêu lòng trước anh sĩ quan cách nhà mình không xa. Chị thích anh vì hai người là hàng xóm, nếu lấy nhau chị vẫn được ở gần mẹ và các em. Kế đến anh hiền lành và giúp đỡ gia đình chị rất nhiều. Tình yêu cứ thể nở hoa, kết trái rồi đến ngày hái quả. Đám cưới được tổ chức không lâu sau đó.

Nhưng lấy chồng được hai năm thì có đến một năm rưỡi chị chịu sự dày vò của mẹ chồng. Bà lúc nào cũng bắt con dâu làm hết việc nọ đến việc kia, rồi la mắng, chì chiết. Không một ngày nào chị được ngơi nghỉ việc nhà.

Tạm biệt với công việc bán hàng, chị trở thành một oshin đích thị. Sáng nào chị cũng phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà gồm 5 nhân khẩu. Ngay cả khi chửa vượt mặt, chị cũng phải giặt một chậu quần áo to.

Thời gian đầu, chưa thích nghi với thói quen nhà chồng, chị bị mẹ anh “móc máy” về cách sống: “Con gái không ra gì là tại mẹ hết, chẳng hiểu mẹ cô dạy dỗ kiểu gì mà nấu một bữa cơm cũng không xong”. Lắm lúc thấy ấm ức nhưng làm sao nói cho chồng hiểu.

Từ ngày lấy anh, chưa một lần chị Lan diện bộ quần áo mới vì anh cho rằng vợ ở nhà nội trợ nên cắt luôn tiền chi tiêu cho khoản đó. Muốn mua sắm cái gì chị đều phải ngửa tay xin chồng. Dù có tằn tiện đến đâu chị vẫn phải xin mẹ đẻ thêm cho đủ tiền chợ hàng tháng. Bao nhiêu đêm khóc rấm rứt bên cạnh người chồng vô tư ngáy o o, chị biết rằng mình sai lầm.

Trước khi chị đẻ, anh đã ra ngủ riêng nhưng khi đứa bé 2 tuổi, anh vẫn không nằm cạnh. Nhiều đêm, con ốm khóc ngằn ngặt anh còn quát: “Cô vô dụng thế, có mỗi việc dỗ con mà làm không xong”. Anh không còn quan tâm và chia sẻ với chị như hồi còn yêu nhau.

Có thời gian, anh bị cơ quan kỷ luật nên suốt ngày triền miên trong rượu chè, bài bạc. Cứ về đến nhà là gây gổ. Những vết bầm tím trên thân thể chị cứ đan xen nhau không kịp hồi phục. Chị nghĩ chịu đựng để yên nhà yên cửa và giữ thể diện cho mẹ mình. Tuy nhiên, “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, càng nhẫn nhục bao nhiêu thì chồng lại thích “trút mọi nỗi buồn chán” lên người chị bấy nhiêu.

Nỗi phẫn uất trong lòng người con gái hiền lành lâu ngày vỡ òa khiến có hôm chị đẩy anh ngã ngửa vì thấy chồng định dùng cả cái ghế phang vào đầu vợ. Lần đó, mẹ chồng kéo tóc, lôi thẳng chị đến nhà mẹ đẻ chửi rủa. Bà tru tréo: “Đồ con dâu mất nết, dám đánh chồng. Con cái nhà mất dạy”. Hàng xóm láng giềng kéo nhau ra xem. Còn mẹ chị thì quỳ gối xin bà ta đừng làm um lên. Lần đó, nhìn dáng điệu run rẩy của mẹ, chị chỉ muốn chết cho đỡ nhục.

Số phận người phụ nữ khi kết hôn phụ thuộc khá nhiều vào gia đình nhà chồng. Nếu như chị Lan quá đau khổ vì người mẹ chồng ghê gớm thì Hiền lại được hưởng thụ một cuộc sống nhàn hạ và sung sướng hơn rất nhiều bởi được gả vào một gia đình tử tế.

Cả khu tập thể xôn xao trước tin Hiền lấy anh chàng ở trên nhà cô một tầng. Thế là đón dâu vừa gần vừa tiện không mất tiền thuê xe, nhưng cái được nhất là cô có thể chạy thẳng về nhà mẹ đẻ ngay lập tức khi giận dỗi với chồng.

Bước chân về nhà chồng gần một năm, chưa lần nào cô phải nấu cơm. Dù đi làm về sớm thì cô cũng về nhà mẹ, nằm vắt chân xem vô tuyến rồi khi nào chồng nhắn tin, cô mới uể oải về nhà.

Chuyện rửa mấy chiếc bát cũng chả đến lượt bởi mẹ chồng sợ con dâu làm vỡ “tài sản” của mình. Cứ thế, “dung túng” nhiều cô đâm ra lười biếng. Sợ mẹ vất vả, nhiều lúc chồng bảo: “Em nên giúp mẹ làm việc vặt” thì chỉ nhận được tiếng ậm ừ rồi lẩn lẩn về nhà mình.

Chủ nhật, phụ mẹ chồng nấu cơm thì cô hết làm rơi cái này đến làm đổ cái khác. Lắc đầu ngao ngán, bà đuổi cô ra khỏi bếp. Chưa một lần bà nặng lời với con dâu vì yêu quý con trai mình, không muốn những lời than vãn làm rạn nứt tình cảm vợ chồng son.

Sống lâu trong sự sung sướng, cô đâm ỷ lại. Những ngày bố mẹ chồng đi vắng, vợ chồng Hiền triền miên ăn ngoài quán. Chồng cô cũng nói gần nói xa về bữa cơm gia đình nhưng chẳng khiến cô động lòng. Có lần, mẹ chồng ốm muốn ăn một bát cháo thì cô lại bắt mẹ mình mua thịt về nấu rồi mang lên.

“Thích lấy chồng gần là tâm lý chung của nhiều người khi lựa chọn đấng lang quân. Ở gần bố mẹ đẻ có nhiều ưu điểm như chạy đến bên nhau lúc cần giúp đỡ ốm đau, sinh nở hoặc chia sẻ những niềm vui dù nhỏ nhất. Tuy nhiên nó cũng có hai mặt mà các bạn nên nhìn nhận rõ: đó là việc đối xử với hai gia đình nội ngoại sẽ gặp nhiều khó khăn cho cô con dâu, yêu cầu phải hết sức khéo léo không làm nảy sinh tâm lý bên trọng bên kinh khi người vợ giúp gia đình mình. Những mối quan hệ khác trong gia đình chồng nếu không đồng ý là các nàng dâu sẵn sàng ba chân bốn cẳng chạy về nhà mẹ đẻ cho thỏa cơn ấm ức của mình.

Vì vậy, lấy chồng gần hay xa không phải là điều quan trọng mà quan trọng là tình cảm, sự cảm thông của hai bên vợ chồng. Trước khi kết hôn hai người nên thỏa thuận với nhau về cách đối xử với hai gia đình như thế nào. Nhất là với những chàng rể và nàng dâu gần thì thỏa thuận ứng xử càng cần thiết để cả hai cùng cảm thấy thoải mái và được tôn trọng. Bên cạnh đó đòi hỏi sự ứng xử khéo léo của nàng dâu đòi hỏi phải tế nhị hơn nhiều để không mang tiếng là thiên vị”, chị Phạm Thị Lan, chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết.