Kinh doanh trên mình người khác – Bài 1: “Nóng” từng centimet

Chỉ cần 15.000 đồng là ai cũng có thể tải được hình ảnh nóng bỏng của các diễn viên, người mẫu về điện thoại của mình. Một nghề kinh doanh đang nở rộ mà sản phẩm kinh doanh là hình ảnh “tươi mát” của người khác…

Khi công bố lên blog những hình ảnh “tự sướng mát mẻ” của mình, hẳn nhiều bạn gái không hề nghĩ sẽ có lúc chúng bị sử dụng để kinh doanh với những câu quảng cáo rẻ tiền. Các nghệ sĩ có lẽ cũng không ngờ hình ảnh của mình lại dễ dàng trở thành phương tiện kiếm tiền của người khác, bất chấp các quy định của pháp luật và đạo đức kinh doanh.

Nội dung quảng cáo trên các trang báo

Chép ảnh “mát mẻ” của một diễn viên vào máy điện thoại di động – Ảnh: N.C.T.

Nội dung quảng cáo trên các trang báo

Dịch vụ ảnh mát mẻ

“Nhạc phải bốc, hình phải nóng như vầy mới khoái”, “Những cảnh phim cực nóng của…”, “Trọn bộ ảnh hot của…” là một phần nội dung quảng cáo của những dịch vụ tải nhạc chuông, ảnh động về điện thoại di động. Kèm theo những lời “có cánh” như trên là hình của Lưu Diệc Phi, BoA, Thủy Top, Tăng Thanh Hà… cùng nhiều ngôi sao điện ảnh, người mẫu, ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Các mẩu quảng cáo này được đăng công khai trên các tờ báo lớn nhỏ, phổ biến nhất (và cũng nguy hại nhất) là trên các tạp chí dành cho tuổi học trò như HHT, MT…

Chúng tôi chưa từng ký kết một thỏa thuận nào cho phép các đơn vị nhắn tin sử dụng hình ảnh các ca sĩ thuộc công ty.

Việc các đơn vị sử dụng hình ảnh của chúng tôi nhằm mục đích kinh doanh rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Riêng về trường hợp ảnh nóng của Minh Hằng mà báo chí thời gian qua có nêu thì đó là một sự cố mà chúng tôi đã làm việc với phía công an để ngăn chặn và cuối cùng đã tìm ra thủ phạm.

Ông Đoàn Thanh Liêm, đại diện ca sĩ Minh Hằng

Những kẽ hở của pháp luật, sự thờ ơ của người trong cuộc, và mục tiêu lợi nhuận đã và đang dần biến các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhắn tin thành các dịch vụ “kinh doanh bản năng”. Sẽ thật nguy hiểm khi giới trẻ – đối tượng khách hàng chính của các dịch vụ này – ngày ngày được “chăm sóc” bằng ảnh nóng, bằng những phương pháp giúp “lên đỉnh”, biết tên chồng/vợ tương lai… chỉ với 15.000 đồng.

Những lời mời gọi đó không ngoài mục đích dẫn khách hàng đến với động tác bấm máy soạn tin nhắn và nộp tiền cho nhà cung cấp dịch vụ. Lần vào website trên các trang quảng cáo này như mb…com.vn, sm…vn, đều có thể dễ dàng nhận thấy họ không nói dối – những hình ảnh quả thật “nóng” hơn sức tưởng tượng khi có sự góp mặt của những người mẫu sex Nhật Bản, Thái Lan với những bộ phận nhạy cảm được zoom cận cảnh.

Dịch vụ nhắn tin, download nhạc chuông, hình ảnh… về ĐTDĐ, theo các chuyên gia về công nghệ, đã qua thời thắng đậm khi hầu hết máy điện thoại thế hệ mới đều có khả năng kết nối với máy tính, tương tác lẫn nhau. Các phần mềm cho phép tự tạo nhạc chuông, ảnh nền cũng xuất hiện nhan nhản giúp mọi người tạo, chia sẻ file với nhau mà không cần phải tải qua mạng viễn thông.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ về lượng của các nhà cung cấp dịch vụ trong vài năm trở lại đây đã đẩy họ đến với sự cạnh tranh khốc liệt, mà để tồn tại họ buộc phải có các sản phẩm đa dạng hơn, thu hút hơn.

Tiếc thay, sự đa dạng và thu hút ấy lại ngả theo chiều hướng sai lạc khi hầu hết hình ảnh mới được cung cấp đều chăm chăm khai thác độ “nóng” của người mẫu. Nếu như trước đây những tấm ảnh mặc bikini của các nghệ sĩ quốc tế đã được xem là nóng thì nay xuất hiện cả ảnh ngực trần và ảnh khỏa thân của những người mẫu sex. Nếu ở thời điểm vài năm trước, ảnh nghệ sĩ chủ yếu được lấy lại từ báo chí thì nay là hình ảnh cắt gọt từ phim, video clip và đều “lồ lộ” để lôi kéo sự chú ý của khách hàng.

Trào lưu chụp ảnh “tự sướng”, ảnh “mát mẻ” của những bạn gái đam mê danh hiệu hotgirl cũng được khai thác khi hình ảnh trên blog của họ bị cắt gọt lại, đưa vào danh mục sản phẩm của các công ty kinh doanh tin nhắn.

Những mập mờ sáng tối

Khi được hỏi liệu nghệ sĩ có biết việc hình ảnh của mình đang được sử dụng để kinh doanh hay không, có người biết, người không, nhưng hầu hết đều không hề có ý định truy cứu bởi “họ cũng giúp mình quảng bá hình ảnh mà. Với lại kiện thì được gì đâu”.

Bên cạnh các ngôi sao cười xòa, bỏ qua sự việc, lại có hàng loạt nghệ sĩ trẻ sẵn sàng cung cấp hình ảnh, thậm chí chụp thêm để cung cấp cho các đơn vị kinh doanh vì xem đây là một kênh tiếp thị hữu hiệu cho mình. Một số nghệ sĩ “phẫn nộ”, “đòi kiện” khi trả lời báo chí thì chẳng có ai kiện cả vì những chồng chéo tế nhị chốn hậu trường.

Hình ảnh sex được rao bán trên một trang web

Từ những điểm xuất phát này, các công ty đã ngày càng mạnh tay trong việc sử dụng trái phép hình ảnh, sản phẩm âm nhạc, video clip của nghệ sĩ, thậm chí tiến xa hơn qua việc ghi chú dưới các mẫu quảng cáo rằng họ chịu mọi trách nhiệm về tác quyền và bản quyền cho các dịch vụ cung cấp. Họ không biết hay cố tình không biết rằng mỗi một tấm ảnh luôn tải theo nó quyền nhân thân (của người trong ảnh), quyền tác giả (của nhiếp ảnh gia) và quyền sử dụng (của cơ quan báo chí nếu ảnh đã được đăng báo hoặc cá nhân, đơn vị giữ quyền này).

Một nhân viên cao cấp của Công ty L chuyên cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng qua Internet (xin được giấu tên) cho biết: “Hầu hết hình ảnh của chúng tôi đều lấy lại từ báo chí. Nếu nghệ sĩ quen thì mình hỏi một tiếng gọi là, còn lạ thì… khỏi hỏi. Nghệ sĩ nước ngoài thì đầy trên mạng, cứ lấy mà xài.

Nhiều người không biết cứ nghĩ chúng tôi bỏ túi hết 15.000 đồng của mỗi tin nhắn mà cho rằng chúng tôi bất lương. Thật sự chúng tôi chỉ nhận được một phần nhỏ trên con số đó. Phần lớn còn lại đi vào túi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tức các công ty điện thoại và chủ sở hữu đầu số. Nếu phải thanh toán toàn bộ chi phí tác quyền, bản quyền, chúng tôi không tài nào sống nổi”.

Câu hỏi cần đặt ra là phải chăng vì để bảo đảm lợi nhuận mà các nhà cung cấp dịch vụ đã tự cho mình cái quyền xài đồ của người khác? Trách nhiệm của các công ty điện thoại ở đâu khi trao đầu số dịch vụ cho các đơn vị kinh doanh mà không hề có cơ chế giám sát, theo dõi? Phải chăng vì số phần trăm được chia nên các công ty điện thoại cũng mắt nhắm mắt mở cho qua? Khi cấp giấy phép ICP (giấy phép thiết lập trang tin điện tử) cho một đơn vị, Cục Báo chí có theo dõi những nội dung đăng tải trên đó để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật?

Hình ảnh nghệ sĩ chỉ là một mảng nhỏ trong số các sản phẩm đang được các công ty kinh doanh dịch vụ nhắn tin cung cấp. Bên cạnh đó là các dịch vụ bói toán, hướng dẫn các tư thế tình dục, chọn giới tính, tải nhạc… mà dư luận thời gian qua nhiều lần lên tiếng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chúng vẫn ngạo nghễ tồn tại bất chấp những hiểm họa có thể đến ở tương lai.

____________________

Để có một đoạn nhạc chuông thuộc loại “hàng độc” như quảng cáo để bán cho khách hàng, các đơn vị kinh doanh đơn thuần áp dụng công nghệ cắt, cóp, nhân bản.

Bài 2: “Công nghệ” sản xuất nhạc chuông