Khi teen tiêu tiền chóng mặt

Để chứng tỏ “đẳng cấp”, nguồn gốc xuất thân… là những lý do phổ biến để một bộ phận teen Việt Nam vung tiền quá trán cho những tiêu xài khoe mẽ…

“Bật đèn xanh” cho con xài tiền!

Có những cô cậu teen (thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 13-19 tuổi) xài tiền chóng mặt, nhưng cũng có những bậc cha mẹ làm ngơ cho con ném tiền qua cửa sổ. Câu chuyện này sẽ được làm rõ thêm qua một khảo sát bỏ túi của chúng tôi, cùng những phát biểu của các teen từ một diễn đàn tiết kiệm. Đây cũng là phần tiếp theo của câu chuyện dạy con tiêu tiền đã được khơi mào từ bài “Trầy vi tróc vảy dạy con tiêu tiền”.

Theo khảo sát bỏ túi của chúng tôi với trên 100 mẫu dành cho các bạn tuổi teen (13-18) tập trung ở một số trường học được giới 9X Sài thành cho là trường “con nhà giàu”, xài sang như các trường dân lập quốc tế, Trường Lê Quý Đôn, Marie Curie… thì có đến 36% bạn được ba mẹ cho 3-5 triệu đồng/tháng để tiêu vặt. Thật đáng suy nghĩ khi có đến 25% bạn có mức xài vặt mỗi ngày lên đến 500.000 đồng.

Nhất mua sắm, nhì chơi, ba học!

Trong số 100 bạn tuổi teen được chúng tôi khảo sát thì đa số đều có mức tiêu vặt khoảng trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Nhưng vẫn có một bộ phận teen mỗi tháng tiêu vèo hết cả chục triệu đồng. Hầu như số tiền các bạn tiêu xài đều do ba mẹ chu cấp (86%), chỉ 10% cho rằng mình làm thêm để có tiền tiêu, còn lại là có tiền từ nguồn… viện trợ khác. Với câu hỏi “Bạn dùng tiền nhiều nhất vào việc gì?”, kết quả khảo sát cho thấy đa số các teen dùng tiền để mua sắm (44%), kế đến là ăn uống, vui chơi, giải trí (35%). Chỉ 21% teen sử dụng tiền đầu tư vào học tập.

Chúng tôi cũng đặt tình huống: “Nếu phải mua món đồ trị giá 1 triệu đồng bạn cảm thấy thế nào?” thì có đến 52% bạn chọn câu trả lời “bình thường”, xem việc ấy không có gì đáng suy nghĩ! Dù được cha mẹ “cấp lương” hằng ngày hoặc hằng tuần nhưng nhiều bạn vẫn rơi vào tình huống thiếu tiền xài, phải mượn tiền bạn (42%). Với thói quen xài tiền… chóng mặt như thế nhưng chỉ 26% bạn cho rằng cha mẹ than phiền… sơ sơ về việc con tiêu tiền nhiều. Còn lại (74%) đều cho biết cha mẹ không than phiền gì về việc chi tiêu của các bạn, xem như đó là chuyện không có gì phải lo!

Những “tín đồ shopping”

Chơi kiểu sành điệu như T.H. (học sinh lớp 9 Trường dân lập quốc tế Á Châu) không chỉ là…chăm chỉ dùng hàng hiệu, mà còn là không để ai thấy mình mặc bộ đồ lần thứ hai! “Trung bình em xài mỗi ngày… bốn trăm mấy! Em không bao giờ để ai thấy em mặc một bộ đồ hai lần. Lúc nào kẹt lắm em phối áo này với quần kia, thêm mấy cái phụ kiện. Bạn em đứa nào cũng vậy. Ai bị phát hiện mặc lại đồ đã mặc một lần rồi thì… quê chết luôn!”.

Không chỉ mua sắm quần áo thời trang, các teen còn là “tín đồ shopping” của các loại trang sức, nước hoa, mỹ phẩm, giày, điện thoại, đồ điện tử… Một lần vi vu thỏa thích hóa đơn có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Nói như M.H., lớp 11 Trường Lê Quý Đôn, thì: “Sĩ số lớp khoảng 30 thì có đến 7-8 bạn có phong cách xài tiền hoang phí. Các bạn sắm đồ hiệu để tạo “đẳng cấp” cho mình”.

Ngoài giờ học, vào những dịp cuối tuần dạo quanh các khu mua sắm như Diamond Plaza, NowZone, Saigon Square, Zen Plaza, lượn lờ tìm đồ “độc” trên các con đường thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sĩ… là thói quen của không ít bạn tuổi teen. Chị Hồng Anh, nhân viên bán hàng của nhãn hiệu giày Converse tại Diamond Plaza, cho biết: “Đa số khách mua hàng là tuổi teen. Có bạn chỉ mua một đôi, nhưng cũng có bạn mua một lúc rất nhiều kiểu”.

Mặc đồ hiệu để “lấy le”, để chứng minh bản thân thuộc tầng lớp nào là suy nghĩ của những teen xài tiền “mát tay” cho những lần mua sắm. Giơ thỏi son hiệu Givenchy đang bày trong shop mỹ phẩm cùng tên ở Hùng Vương Plaza lên, Hạnh, học sinh lớp 11 Trường trung học quốc tế Á Châu, hồ hởi: “Em mê hiệu này lắm. Dù mua một cây này bằng mấy cây hiệu khác nhưng hễ có hàng mới là em chộp liền. Đã thấy là phải mua. Nhiều lúc kẹt quá hỏi mượn tiền mấy đứa bạn cũng thấy kỳ nhưng em cứ nghĩ tới cây son hoài. Không mua là trong người không yên, khó chịu lắm!”.

KIM ANH – HỒNG ÂN – HÀ THANH

—————————–

Khi teen nói về… tiết kiệm

Gần 100 bạn trẻ tuổi teen đã cùng một số phụ huynh tham dự tọa đàm “Tuổi teen với tiết kiệm và chống lãng phí”, do Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn) tổ chức mới đây.

Mở màn buổi tọa đàm, bạn Lan Anh – học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền – phát pháo: “Em biết có nhiều bạn cùng trang lứa thường mua quần áo, trang sức, mỹ phẩm đắt tiền, không phù hợp với lứa tuổi teen tụi em. Nhiều bạn gái tuổi teen hiện nay rất phung phí tiền bạc, chạy theo thời trang, đồ chưa kịp mặc hết đã mua đồ mới,  lại còn phụ kiện đi kèm, rồi mỹ phẩm, điện thoại di động…”. Lan Anh chia sẻ: “Tiết kiệm cũng như thói quen hằng ngày, ta phải được dạy dỗ, chỉ bảo ngay từ khi còn bé”.

Đưa ra câu chuyện cụ thể để nói về tính tiết kiệm, bạn Trần Hoàng Yến (THPT Gia Định) nhẩm tính: “Nếu mỗi ngày bạn giảm tiêu vặt, góp vào ống heo 5.000 đồng, mỗi năm mình sẽ có gần 2 triệu đồng. Góp vài chục năm chúng ta có số tiền cả trăm triệu đồng từ những đồng tiền nhỏ, khi ấy mình có thể làm nhiều việc hoặc làm từ thiện”. Bài toán tiết kiệm của Yến đã làm mọi người chú ý. Yến cũng đưa ra thông điệp: “Khi mua một món hàng mình phải suy nghĩ đắn đo vì nghĩ đến nhiều người còn thiếu thốn, thiếu ăn…”.

Không khí buổi tọa đàm thật sự nóng lên khi bạn Hạnh Nguyên (Trường trung học dân lập quốc tế Úc Châu) cho biết từng chứng kiến người bạn mua chiếc áo 1 triệu đồng và đôi giày đến trường trị giá 500 USD. Nguyên cho rằng: “Các bạn ấy tiêu tiền quá hoang phí, vì cha mẹ các bạn cho con nhiều tiền mà không chỉ dạy cách sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý”. Không chỉ con nhà giàu mới xài hoang, còn có một số teen học đòi bạn bè. Bạn Đức Huy (lớp 9 Trường Thực hành Sài Gòn) cho biết có một bạn trong lớp mỗi ngày ba mẹ cho 20.000 đồng đi học nhưng đã dám mua chiếc áo hết 600.000 đồng. “Số tiền ấy bạn nói là xin đóng học phí nhưng đã đem mua áo. Bạn ấy đã nói dối mẹ” – Huy nói.

Sự ảnh hưởng của người lớn đến thói quen tiêu xài phí phạm của giới trẻ cũng được các teen đặt ra tại tọa đàm. Học lớp 8 nhưng Minh Đức (Trung học cơ sở Chu Văn An) có vẻ già dặn: “Ứng xử trước đồng tiền, hành vi tiết kiệm của những người lớn xung quanh cũng tác động không ít đến hành vi tiêu xài của trẻ em. Cuộc sống bây giờ có rất nhiều cám dỗ. Còn nhỏ nên tụi em khó thấy được sự cám dỗ, lãng phí… Do vậy cần thiết phải có sự trợ giúp của người lớn”.

KIM ANH

“Mình chưa làm ra tiền, không nên xài hoang phí!”

Đó là thái độ của một cô bé đang học lớp 11, khi nói về chuyện tiêu xài ở lứa tuổi mình.

Tôi là một teen đang học lớp 11 ở một trường trung học dân lập quốc tế tại TP.HCM. Tôi biết trường của tôi chỉ dành cho con nhà có kinh tế khá giả. Lớp của tôi có hơn chục bạn nhưng có lẽ tôi là học sinh được mọi người cho là tiêu xài “keo kiệt” nhất lớp, vì mỗi tháng ba mẹ cho tôi nhiều nhất là 300.000 đồng. Một lần tôi chứng kiến cậu bạn học cùng lớp mua hai chiếc áo trị giá 1,5 triệu đồng. Tôi thấy choáng và xót tiền liền buột miệng hỏi: “Cậu tiêu tiền ghê thế?”. Bạn tôi thản nhiên: “Bình thường thôi. Tháng nào tớ chẳng xài vài triệu”. Trước tết tôi thấy bạn ấy dùng chiếc điện thoại khá xịn, sau tết đã đổi chiếc iPhone và đang khoe là sắp đổi cái khác.

Tôi để ý thì biết hầu như các bạn trong lớp tôi đều không phải làm việc nhà, móng tay còn có người cắt cho. Hầu hết các bạn đều được ba mẹ chu cấp 2-3 triệu đồng xài vặt mỗi tháng. Nếu bạn nào xài nhiều thì hết khoảng 3-4 triệu đồng. Đấy chỉ là tiền tiêu vặt, chưa kể đến những lần các bạn ấy đi shopping chung với ba mẹ, toàn là đến những trung tâm mua sắm lớn và mỗi lần đều chọn quần áo, túi xách, giày dép… hàng hiệu; hóa đơn tính tiền bao giờ cũng vài trăm đô trở lên! Nhiều lần đi với bạn học đến các trung tâm mua sắm lớn cùng ba mẹ các bạn ấy, tôi nghe họ nói với các bạn: “Con cứ thoải mái chọn!”.

Tôi nghĩ thói quen tiêu xài hoang phí của các bạn ấy được tập tành từ nhỏ và được chính gia đình các bạn ấy khuyến khích. Xài tiền như thế tôi thấy không hợp lý vì mình còn nhỏ, chưa làm ra tiền. Nhiều bạn mua đồ có khi còn không xài đến nhưng vẫn cứ mua liên tục. Có lẽ cũng vì cách sống lãng phí như thế nhiều bạn trong số ấy trở thành người ích kỷ, nghĩ đồng tiền có thể làm được mọi việc. Một lần có bạn trong lớp tôi làm bể bóng đèn của trường, bác bảo vệ mời lên gặp ban giám hiệu, khi được thông báo phải mời phụ huynh đến giải quyết, bạn ấy ra vẻ bất cần: “Cái bóng đèn bao nhiêu tiền để em đền luôn cho. Trong túi em còn gần 3 triệu đồng. Mời ba mẹ em lên trường làm chi, họ phải đi làm kiếm tiền”.

K.ANH
(Ghi theo lời bạn A., học sinh một trường trung học dân lập quốc tế)