Chuyện xung quanh “Bài văn xì-tin của một 9X”

“Với cương vị của một giáo viên dạy văn, tôi không thể chấm điểm cho bài văn này. Tôi không thể cho bài văn này điểm 0 (không), không thể cho điểm 1 (một), cũng không thể phê”.

Bà Trần Thị Nhung – Phó hiệu trưởng trường Marie Curie. (Ảnh: VTC)

>> Bài văn xì-tin của một 9X

Bà Trần Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie (Hà Nội), đã cho biết như vậy khi trao đổi về bài văn “xì-tin” của em Bùi Minh Thu – học sinh lớp 10G5 trường này.

Xin bà cho biết, bà nhận được thông tin về bài văn “gây xôn xao cư dân mạng” khi nào?

Khi bài văn đó lên mạng mấy ngày, tôi cũng đã được biết và đã đọc. Sau đó, chúng tôi gặp em Bùi Minh Thu là người có tên trong tờ giấy kiểm tra. Tôi đã phân tích để cho các em thấy tất cả các từ ngữ và các ý tưởng của bài văn này là không thể chấp nhận được.

Tìm hiểu về bài văn này, chúng tôi đã nhận thấy, thứ nhất, bài văn đó không phải là bài làm kiểm tra định kì. Đó là đề thi học kì năm trước của ban tự nhiên. Trong quá trình dạy và ôn tập, cô giáo đã sử dụng đề này như 1 bài tham khảo.

Thứ hai, tôi khẳng định đây không phải là chữ cô Nguyên, cô giáo dạy văn, đồng thời chủ nhiệm lớp 10G5 .

Em Thu cho biết, em viết bài văn này ở nhà và mang đến lớp cho các bạn đọc và mang về nhà ngay cuối buổi học đó. Bài văn này đã được mang bán giấy vụn cùng với các giấy vở cũ của em. Chính em Thu cũng không biết ai đã phê và đưa bài văn lên mạng.

Sự việc này, dưới góc độ của những người làm giáo dục, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở em, chỉnh đốn về tư tưởng và quan điểm, làm cho các em hiểu cái đúng cái sai để sửa chữa. Là môi trường giáo dục, chúng tôi hoàn thiện nhân cách cho các em chứ không thể xử phạt một cách cứng nhắc, nặng nề được.

Bài văn được lan truyền trên mạng viết trên giấy thi của trường Marie Curie.

Thưa bà, nhiều người cho rằng cách ra đề của bài kiểm tra: “Sau khi chết ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại chuyện đó”. Yêu cầu tưởng tượng như thế đối với học sinh lớp 10 rất dễ làm cho các em có những suy nghĩ lệch lạc. Ý kiến của bà thế nào?

Đứng từ góc độ của một giáo viên dạy văn, các giáo viên đều muốn hình thành và phát triển trí tưởng tượng của các em. Và tất nhiên, trí tưởng tượng này phải mang tính nhân văn. Ngoài ra, giáo dục trong nhà trường cũng cần rèn luyện cho các em khả năng nghị luận.

Đề bài này năm trước đã được sử dụng để kiểm tra học kì và đã có được những thành công nhất định. Rất nhiều thầy cô đã phải trầm trồ về những bài văn hay với đề này. Đọc các bài như thế, các thầy cô cảm thấy toại nguyện lắm.

Chúng tôi lúc nào cũng chú ý rèn luyện rất cẩn thận cho các em. Có hàng ngàn học sinh, nhưng lỗi này chỉ rơi vào 1 em. Nó không mang tính đại trà. Dù vậy cũng làm chúng tôi rất buồn!

Bài văn của em Thu nằm ngoài sự mong muốn của những người ra đề, những người làm giáo dục như chúng tôi.

Dạy văn trong nhà trường ngoài vấn đề phân tích tác phẩm và nghệ thuật thì giáo viên cũng luôn rèn luyện cho học sinh có khả năng tưởng tượng, tư duy lôgic. Tất nhiên văn học luôn hướng tới việc nâng cao tâm hồn con người, hướng tới những giá trị tốt đẹp.

Tuy nhiên, những tác động của cuộc sống bên ngoài thì vẫn song song tồn tại. Cái quan trọng là học sinh phải tự biết lựa chọn.

Với bài văn trên mạng này, các thầy cô trong trường có hoài nghi về việc dạy văn của mình hiện nay không, thưa bà?

Chúng tôi cũng chỉ hoài nghi có 1 điều. Đó là, thế hệ trẻ tiếp cận với mạng quá nhiều và đã quá lạm dụng tiếng lóng. Chúng tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa trong quá trình dạy dỗ các em.

Trong các tiết học, chúng tôi luôn trau dồi, trang bị những kiến thức cho học sinh. Nhưng những tác động của xã hội vẫn có ảnh hưởng, tác động tới các em là quá lớn.

Giả sử phải chấm điểm bài văn ấy, bà sẽ cho bài văn mấy điểm?

Với cương vị của một giáo viên dạy văn, tôi không thể chấm điểm cho bài văn này được. Tôi không thể cho bài văn này điểm 0 (không), không thể cho điểm 1 (một), cũng không thể phê. Thế đấy! Tôi phải gọi riêng học sinh của mình lại để nói chuyện, phân tích cho em hiểu, nhận ra những điểm sai lệch.

Xin cảm ơn bà!

Nhà tâm lý Trịnh Trung Hoà: Như em học sinh 10G5 này đã nói, đây không phải bài tập làm văn gửi cho cô giáo chấm mà do em tình cờ có được một tờ giấy thi thừa ra thì viết chơi rồi vứt đi như một trò đùa và chính em cũng quên đi không nghĩ đến nữa.Mọi người, nhất là những người đang tuổi teen, ai cũng có thể có những trò nghịch như vậy, không có ý gì khác ngoài việc viết nghịch ngợm cho vui. Vì vậy tôi thấy không nên coi đây là chuyện nghiêm trọng hoặc qua những dòng viết nghịch ngợm đó để đánh giá người viết.

Tuy nhiên đoạn viết ngắn đó cũng nói lên một vấn đề là tuổi teen bây giờ khá rành nhiều chuyện tiêu cực của đời sống xã hội như rùa ăn hối lộ mới cấp giấy phép đi lại dưới thuỷ cung, như chuyện mặc cả ngã giá giữa một nhân vật trong truyện và một gái “bán hoa”, chuyện vợ vừa ra khỏi nhà chồng đã ngoại tình, chuyện cờ bạc lô đề … Những chuyện này có thể các em thấy ngoài đời hoặc có thể do đọc được trên báo chí, trên mạng.

Nhưng dù bằng cách nào thì cũng chứng tỏ là tuổi teen ngây thơ trong trắng của các em đã biết quá sớm những mặt trái của xã hội và miêu tả một cách khá thành thạo. Từ đó các thầy cô giáo cần có sự uốn nắn, giáo dục kịp thời để các em trở lại với tuổi teen trong trắng của các em.