Đớn đau tuổi trăng tròn: Kỳ 3 – Tiểu học đã làm “chuyện ấy”

“Gần đây, ngày càng có nhiều trẻ học lớp 5, lớp 6 hốt hoảng chuyện bầu bí…” – Chuyên gia cố vấn đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em Nguyễn Kim Quý quan ngại.

>> Kỳ 1: 14 tuổi toan làm mẹ
>> Kỳ 2: Tình phủi

11 tuổi lơ ngơ vì tình

Một chiều, người phụ nữ dắt con trai tên Hùng mặt ngơ ngác, quần áo lem luốc đến gặp tiến sĩ tâm lý, khẩn cầu: “Cô giáo chủ nhiệm phản ánh, cháu bị thần kinh. Mong chị giúp cháu”.

Một cảnh yêu nhau ở công viên của “tình yêu học trò”. Ảnh minh họa của Hồng Vĩnh

Nhìn cậu bé gầy gò, thấp bé, tiến sĩ Quý không nghĩ cậu bé học lớp Sáu. Hỏi mọi chuyện, cậu đều trả lời lưu loát và còn thú nhận: “Cháu không thể tập trung vào việc học được. Bao nhiêu kiến thức cô giảng cứ đi đâu hết cả nên cô mắng cháu có vấn đề về thần kinh”.

Cậu bé trở nên tỉnh táo, ăn nói sắc sảo khi nói đến tình yêu. “Cháu có người yêu rồi”- Cậu tuyên bố.

Nó tấn công cháu trước. Chúng cháu học cùng lớp với nhau. Năm lớp 5, nó gửi thư cho cháu nói tớ thích cậu và liên tục đến gần cháu. Nó cứ như vậy, nên cháu bị đổ. Chúng cháu yêu nhau hơn một năm.

Bước vào tình trường, cô bạn học giỏi còn cậu bé chỉ xếp loại trung bình. Thế nên, cô bạn gái thường đến nhà cậu kèm học. Thấy hai đứa có những cử chỉ khác thường nên mẹ cậu bé cấm cửa, không cho học chung nữa.

Ở lớp, ngoài đôi Hùng – Lan còn có mấy cặp đôi khác. Tiến sĩ Quý kể: “Khi tôi hỏi, thế hai cháu làm chuyện người lớn chưa, cháu cúi mặt tủm tỉm”.

Để chữa bệnh thần kinh của cậu học trò, chuyên gia tâm lý và cả hai gia đình vào cuộc. Chuyên gia tư vấn cho biết, càng ngăn cấm, tách tụi trẻ càng khiến cả hai đứa khó bảo. Cũng may, gia đình Lan thuộc diện khá giả, lại hiểu biết nên rộng đường với cậu bé.

Mẹ cô bé ra điều kiện với Hùng: “Nếu cháu học giỏi, cô đồng ý cho hai đứa yêu nhau”. Và hàng tuần, cậu bé đến nhà cô bạn học chung dưới sự giám sát chặt chẽ của mẹ cô bé. Sau thời gian học kèm và không bị cấm đoán gặp gỡ, cậu bé học tiến bộ hơn.

Chuyện chưa có hồi kết của một cô bé

“Những câu hỏi đại loại như: biểu hiện có thai như thế nào, quan hệ như thế nào thì có mang được các teen lớp 6, lớp 7 hỏi ngày càng nhiều” – Tiến sĩ Quý nói.

Tiến sĩ Quý kể, có một trường hợp hàng ngày, bố mẹ vẫn phải đưa đi học. Cô bé học cả ngày nên ăn và nghỉ trưa tại trường. Bố mẹ rất yên tâm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình & Môi trường Phát triển, năm 2008, Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.

Thống kê của Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam cho thấy, trẻ vị thành niên chiếm 20 phần trăm số ca nạo phá thai trong cả nước, 5 phần trăm sản phụ sinh con dưới 18 tuổi.

Trước đây, các ca nạo phá thai của trẻ vị thành niên chủ yếu ở độ tuổi 16-18. Nay con số này xuống đến 13-14, thậm chí 11-12 tuổi.

Nhưng rồi cô bé gọi đến đường dây tư vấn thắc mắc chuyện chậm kinh đã hai tháng. “Cháu bị từ năm học lớp 5 và thường có đều đặn hàng tháng. Nhưng hai tháng nay, cháu không thấy ra nữa, cháu bị sao hả cô?”. Gặng hỏi, cô bé mới ấp úng: “Buổi trưa, bạn ấy (một bạn trai bằng tuổi, học cùng khối) rủ cháu ngủ tại nhà bạn ấy vì cũng gần trường. Chúng cháu làm như vậy mấy tháng rồi có sao đâu hả cô?”.

Sau khi nghe T. kể tất cả các biểu hiện, chuyên gia tư vấn chắc chắn cô bé đã có thai và hướng dẫn em mua que thử cho chắc chắn. Lần điện thoại sau, cô bé hốt hoảng với sự thật ấy và được chuyên gia tư vấn thuyết phục nên kể mọi chuyện với mẹ.

“Cô bé khóc nấc qua điện thoại “Mẹ sẽ giết cháu mất” rồi cúp máy. Những ngày sau tôi cố gắng liên lạc nhưng không được. Cũng giống như các trường hợp tương tự, tôi tìm cách nói chuyện với gia đình thay các em để có hướng giải quyết tốt nhất. Nhưng với cô bé này, tôi không thể kết nối được nữa” – Tiến sĩ Quý buồn rầu.

Tiến sĩ Quý cho biết, hiện có tới 1/3 số cuộc gọi tới đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em là của trẻ vị thành niên hỏi về vấn đề tình dục, tình yêu.