Yêu kiểu mới: Nở rộ dịch vụ mối lái

Ngày càng có nhiều nam thanh nữ tú Nhật Bản tìm một nửa của mình thông qua các công ty mối lái hôn nhân, ngành công nghiệp trị giá khoảng 60 tỷ yen.

Trước khủng hoảng kinh tế, nhiều cặp thanh niên Nhật ra nước ngoài tổ chức hôn lễ Ảnh: The New York Times

Kỳ I: Thuê yêu

Theo nhật báo Asahi (2/2), hiện có khoảng 600.000 thanh niên Nhật Bản – 60 % là nam – phải dựa vào trợ giúp của các công ty mối lái để có thể gặp và tìm bạn đời do công việc quá bận rộn.

Bộ Kinh tế cho biết đang có cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty mối lái khi nhu cầu tìm bạn đời của giới trẻ tăng mạnh và lời than phiền về chất lượng dịch vụ cũng tăng theo dù giá cả không rẻ: 3.000 – 4.000 USD cho một dịch vụ môi giới thành công.

Trước thực trạng có tới 25 phần trăm nam và 16 phần trăm nữ thanh niên ở độ tuổi 30 quyết định sống độc thân, không sinh con, Nhật Bản bắt đầu cho phép các công ty môi giới hôn nhân được quảng cáo cả trên truyền hình từ năm 2006 nhằm khuyến khích giới trẻ kết hôn.

Tuy nhiên, hoạt động của các công ty môi giới hôn nhân ngày càng hỗn loạn do sự chồng chéo về quản lý và hệ thống cấp bằng chứng nhận về chất lượng dịch vụ. Tháng 12/2008, tổ chức phi lợi nhuận NPO công bố hệ thống cấp chứng nhận cho các công ty môi giới hôn nhân đủ tiêu chuẩn, nhưng chưa thể lập lại trật tự.

Hiệp hội Tư vấn Cuộc sống Nhật Bản (JLCA) cũng cấp bằng chứng nhận cho ngành kinh doanh này. Tính đến nay, chỉ riêng JLCA đã cấp bằng dịch vụ môi giới (CMS) cho 176 văn phòng tại 36 khu vực. Số công ty được JLCA cấp bằng chứng nhận chỉ chiếm 4 phần trăm ngành công nghiệp môi giới hôn nhân ở Nhật Bản.

Tờ Asahi cho biết, Trung tâm Tư vấn Khách hàng Quốc gia của Nhật Bản nhận gần 3.000 lời than phiền của giới trẻ đối với các công ty mối lái hôn nhân trong năm tài chính 2007. Con số này không giảm so với năm 2004 khi ngành công nghiệp mối lái hôn nhân bắt đầu bị giám sát chặt chẽ.

Hầu hết lời than phiền liên quan đến các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là lệ phí khi hủy bỏ hợp đồng của khách hàng trẻ với các công ty môi giới hôn nhân.

Báo chí Nhật Bản dẫn nguồn tin Bộ Y tế, Lao động & Phúc lợi cho biết, tuổi kết hôn trung bình lần đầu vào năm 2007 của nam giới Nhật Bản là 30,1 và nữ là 28,3. Vào những năm 1970, độ tuổi kết hôn trung bình của thanh niên Nhật Bản trẻ hơn hiện nay khoảng bốn năm.

Trước đây, việc tìm người yêu hoặc bạn trăm năm của giới trẻ Nhật Bản chủ yếu nhờ bạn bè, đồng nghiệp. Theo truyền thống, hôn nhân ở Nhật Bản được sự thu xếp của hai gia đình thông qua omiai (bà mối)…, nhưng nay các hình thức trên không còn phổ biến do thanh niên Nhật Bản dành hầu hết thời gian cho công việc.

Ngoài việc trực tiếp đăng ký tìm bạn đời, nhiều thanh niên Nhật Bản do quá bận rộn và túi tiền hạn hẹp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế còn ủy quyền cho bố mẹ (đã về hưu) tham gia “hội nghị hôn nhân” do các công ty môi giới tổ chức.

Tại “hội nghị hôn nhân”, với khoản lệ phí rẻ hơn nhiều lần so với việc sử dụng dịch vụ trọn gói, các ông bố bà mẹ có toàn quyền tìm người phù hợp trong danh sách bí mật cho con mình và sau họ đó tự đứng ra tổ chức cuộc gặp cho các con.