Chatter “làm xiếc” với ngôn ngữ Việt

Chuẩn bị rời khỏi cơ quan thì tôi nhận được tin nhắn từ cô bạn đồng nghiệp trẻ: “Chi ui! Chu e wa đó ru tui min di uog wôc lun thui! Se zui lem do!”. Đọc tin nhắn mà quả thật tôi chịu không hiểu cô bé định nói gì, nên cho rằng máy của cô bị lỗi phông chữ.

May mà lời than phiền lọt vào tai một đồng nghiệp thế hệ 8X đang ở trong phòng, rồi dịch hộ, tôi mới hiểu nghĩa của tin nhắn là: “Chị ơi! Chờ em qua đó rồi tụi mình đi uống nước luôn thôi! Sẽ vui lắm đó!”.

Thấy tôi trố mắt không hiểu vì sao 2 người không quen biết mà lại có sự hiểu nhau đến thế, cô bạn trẻ cười phá lên và cho biết: đó là ngôn ngữ của cư dân mạng chuyên nghiệp đấy!

Chuyện tưởng không lặp lại vì nghĩ rằng, cách đó chỉ là để các chatter nói chuyện với nhau, rồi họ sẽ chừa mình ra vì mình đâu thuộc thế hệ đó. Nhưng hôm sau, khi chờ quá giờ hẹn vẫn chưa thấy một đồng nghiệp trẻ khác đến, chúng tôi nhắn tin giục đi thì lại nhận được tin nhắn kiểu đó: “Trui ui, lam j ma cac chi iu qui jan ju the? Bi h e moi roi khi juog. Nhug chu e mut chut thui mư, e dín day!”.

Nếu không có mấy bạn trẻ cũng là dân mạng vốn quen với cách viết này dịch hộ thì có tài thánh tôi cũng không thể biết được câu này nghĩa là: “Trời ơi, làm gì mà các chị yêu quí giận dữ thế? Bây giờ em mới rời khỏi giường. Nhưng chờ em một chút thôi mà, em đến đây!”.

Thì ra, khi lên mạng, hầu như các chatter đều nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ kỳ quặc đó. Tức là họ biến tấu các từ tiếng Việt chẳng theo một qui tắc nào, chả khác gì thách đố những người quen với tiếng Việt chuẩn. Không chỉ phụ âm đầu hay âm đệm, mà cả âm chính, âm cuối đều bị làm biến dạng, méo xẹo không thương tiếc, nhiều chỗ cứ như cách nói của người ngọng.

Dưới góc nhìn của họ thì chữ “qu” thì thành “w”, chữ “ơ” thành “u” và chữ “giờ” thì thành “h”, “a” thành “ư”, chữ “ng” thì chỉ còn chữ “g” và “ă” thì thành “e” v.v… và v.v… với vô thiên lủng các từ viết tắt. Một người chưa bao giờ biết đến ngôn ngữ chatter mà vớ phải những tin nhắn hay email kiểu này thì chỉ có nước… giơ tay hàng, như tôi.

May mà không… phát điên lên, nhất là những lúc bận rộn hay vội vã. Bởi nếu là ngoại ngữ thì còn có thể nhờ ai đó thông hiểu, chứ còn “nội ngữ” kiểu này thì hầu hết các bậc phụ huynh chỉ có “bó tay chấm com”, vì khác gì đố biết rừng có bao nhiêu lá?

Thế nhưng, các cư dân mạng lại coi sự không dùng tiếng Việt chuẩn như là một tiêu chí để nhận nhau và nhận ra sự… sành điệu của nhau(!). Ai không dùng chữ kiểu này mà cứ chân phương tiếng Việt sẽ bị coi là quê. Lạ thế!

Thôi thì cách giao tiếp trên cứ ở trên mạng và chỉ bó hẹp trong phạm vi của những cuộc chát chít vui vẻ, trẻ trung giữa những người “cùng ngôn ngữ” thì còn đỡ, vì không ảnh hưởng đến ai, dù với những người tôn trọng sự chuẩn mực của tiếng Việt thì đây là điều không thể chấp nhận được. Nhưng quen tay, quen cách nói ấy, nhiều chatter dùng cả trong tin nhắn.

Ban đầu là với nhau, rồi dần dần, họ mở rộng phạm vi đối tượng, dùng để trao đổi cả với người lớn tuổi ở trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Không chỉ sử dụng trong tin nhắn, mà cả ở email.

Thế nhưng, càng ngày số người sử dụng cách viết này trong giao tiếp càng nhiều. Vì thế, thật đáng lo ngại khi thứ ngôn ngữ này đang có sự rập rình để bước vào cuộc sống một cách không ồn ào, như một sự mặc nhiên nếu tiếp tục nhận được sự đồng tình hay chấp nhận của nhiều người. Một số người hình như tưởng đây là một sự sáng tạo mới mẻ nhưng thực ra lại là nguy cơ làm hỏng tiếng Việt, nếu trẻ em cũng học và viết theo cách này.

Ngôn ngữ là bất biến, nhưng sự bất biến chỉ theo hướng phát triển có chọn lọc, chứ không phải là làm méo mó tiếng mẹ đẻ theo kiểu không giống ai.

Hình thành từ đầu thế kỷ XVII, nhưng theo TS. ngôn ngữ học Nguyễn Hữu Quỳnh thì đến cuối thế kỷ XX, tiếng Việt mới cơ bản ổn định về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Như vậy, con đường hình thành ngôn ngữ chuẩn là không dễ dàng và phải mất rất nhiều thời gian. Vậy mà đang có một trào lưu làm biến dạng tiếng Việt và với sự phù trợ của công nghệ thông tin thì tác hại của nó không hề đơn giản.

Nếu cứ chấp nhận và không ai lên tiếng trước thực trạng này để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thật khó tránh khỏi tiếng mẹ đẻ sẽ bị những trò vui không đâu ngày càng xâm lấn để rồi làm hỏng. Chứ chả lẽ, rồi chúng ta sẽ phải xây dựng lại cả bảng chữ cái lẫn bộ Từ điển tiếng Việt mới?