HLV, nghề… thấp thỏm!
Danh sách những huấn luyện viên bị mất việc vẫn chưa “đóng sổ” dù V-League cũng như giải hạng Nhất chuẩn bị bước vào giai đoạn cần sự ổn định nhất để bùng nổ khi đến lượt Thanh Hoá “trảm” tướng và mới hơn là An đô An Giang, lần thứ 2 trong mùa giải có sự thay đổi.
Cả 2 giải đấu mới đi qua được nửa chặng đường, nhưng đã có tới 15 huấn luyện viên thực sự phải rời ghế, chưa kể một vài cái tên được đưa lên tạm quyền sau vài vòng đấu và lui xuống làm trợ lý đủ thấy V-League giờ khốc liệt đến cỡ nào.
Và trước vòng quay đến chóng mặt của “lò xay”, có lẽ không nhà cầm quân nào dám tin tưởng tuyệt đối, chiếc ghế của mình sẽ luôn “vững chắc” nếu đội nhà chơi không tốt.
1. Mất ghế vì.. thời cuộc
Bất cứ ai cũng vậy, khi bỏ tiền đầu tư vào bóng đá điều đầu tiên các ông chủ quan tâm nhất chính là thành tích của đội bóng. Và khi thành tích không có, hẳn nhiên người chịu trách nhiệm đầu tiên là các “thuyền trưởng”.
HLV Vương Tiến Dũng đã không có đủ thời gian để đưa Thể Công trở lại quỹ đạo chiến thắng. Và ông đã tìm thấy nụ cười khi quay lại với Hải Phòng. (Ảnh: Đức Anh)
Không oan lắm khi Hà “tí tồ” mất ghế, nhưng nhìn một cách thấu đáo tham vọng mà T&T.HN đặt ra dường như hơi quá nếu nhìn vào lực lượng của họ. Chưa kể, hạng Nhất và sân chơi V-League là hai mặt trận chênh nhau rất xa.
Xét về nội binh, ngoài chân sút bạc tỷ Công Vinh, T&T.HN chỉ sở hữu thêm một vài gương mặt tạm gọi trôi hơn so với những người còn lại. Ngoại binh của tân binh V-League này thì thuộc hàng… dỏm so với mặt bằng chung, vậy nên T&T.HN không “phất” cũng là chuyện thường.
Mới chân ướt chân ráo lên chuyên, dĩ nhiên, T&T HN không thể so với “đứa con nuôi” khác của bầu Hiển là SHB.Đà Nẵng, hay Bình Dương hoặc. Đẳng cấp của nhóm này với đại diện bóng đá thủ đô rõ ràng ở một vị thế khác. Chưa kể, Triệu Quang Hà và học trò gặp sức ép khi bước vào giải.
Từ tham vọng ở nhóm đầu, lại rơi xuống tận đáy, thật khó mà giữ được sự kiên định. Thế nên, lựa chọn dễ làm nhất và cũng là hi vọng tìm ra “làn gió mới”, ông chủ của T&T HN quyết định “thay tướng”.
Cũng vì tham vọng vị chòng chành, ý chí bị thử thách, vị “tướng” lão luyện họ Vương đã phải ra đi không lâu sau khi trở lại mái nhà Thể Công.
Không thể tạo “phép màu” cho T&T HN, HLV Triệu Quang Hà đã phải ra đi. (Ảnh: Đức Anh)
Nhưng, cũng giống như đội bóng cùng Thành phố, quân của Thể Công không mạnh. Với một lứa cầu thủ trẻ, kết hợp với giàn cựu binh đã về chiều cộng thêm sự nổi loạn của các ngoại binh HLV Vương Tiến Dũng đành bất lực nhìn đội đi xuống, dù ông không hề kém tài.
Khác một chút về tham vọng cũng như khả năng tài chính, nhưng việc HLV Nguyễn Ngọc Hảo “đứt gánh” giữa đường chẳng ai nói ông bất tài, mà chỉ đơn giản đội nhà chỉ có thế, và các sếp cũng “keo 1 cục” khiến cho tinh thần cầu thủ rệu rã và rốt cuộc ông Hảo mất ghế 1 cách đau đớn.
Và mới đây nhất, cũng giống người đồng nghiệp ở thành Nam, HLV Nguyễn Văn Tiến cũng đã phải ra đi chỉ sau trận thua 0-3 của Thanh Hoá trước TP.HCM ít giờ.
Ông Tiến nói rằng không quá bất ngờ, bởi đội ông chơi không tốt và ông cũng “không có nhiều quyền quyết định ở Thanh Hoá”. Nói thế đủ hiểu, bởi tất cả đều nằm trong tay bầu Lý cả.
Quân xứ Thanh không quá tệ, và cũng rất máu. Chí có điều, người có tiếng nói quyết định tới sự sống còn của đội là bầu Lý thì đôi khi “quên” trả lương và thưởng cho quân mình. Chỉ bằng động thái đó thôi, cũng đủ khiến cho các cầu thủ nản. Vậy là thua trận, để cuối cùng “tội vạ” đổ cả lên đầu ông Tiến.
2. Và ra đi do “thiếu hiểu biết”
Cho tới giờ, rất nhiều cầu thủ công thần của Bình Dương vẫn cười thầm trong bụng sau khi HLV Vital phải khăn gói ra đi. Họ cười bởi rốt cuộc ông thầy người Bồ vẫn thế, so với thất bại cách đây vài mùa ở Ngân Hàng Đông Á.
HLV Vital phải rời Bình Dương vì không hiểu các cầu thủ. (Ảnh: Quốc An)
Không nói đến chuyện đưa ra giáo án tập luyện, cũng như tài năng trên sân cỏ như, chỉ nội chuyện HLV Vital “đối đầu mà không đối thoại” với các cầu thủ đã là đủ để cho ông phải mất ghế.
Vào thời điểm các cầu thủ có dấu hiệu “nổi loạn”, thay vì tìm nguyên nhân HLV này đã lên thẳng phòng của chủ tịch CLB “méc”. Một cuộc họp đã diễn ra ngay sau đó, các cầu thủ bị ông chủ tịch mắng xối xả vì tội “đá thầy”.
HLV Vital càng chắc mẩm hơn khi ngay ngày hôm sau trên khắp các phương tiện thông tin lãnh đạo đội nhà khẳng định “sẽ trảm bất cứ cầu thủ nào nếu vẫn để tình trạng như cũ”.
Đùng một cái, HLV người Bồ bị cho nghỉ việc khi đội nhà đang thăng hoa với chuỗi trận bất bại cả ở cúp C2 châu Á lẫn giải quốc nội. Ngạc nhiên với người ngoài, còn với những người trong cuộc chẳng lạ. Bởi ở Bình Dương, cầu thủ mới là số 1, chứ không phải là HLV.
Cách ra đi của HLV Vital, xem ra còn may mắn chán so với người đồng nghiệp người Áo – Riedl. Có hành trang gần 1 thập niên sống cùng bóng đá Việt, nhưng cựu HLV ĐTVN vẫn phải ra đi, bởi cách sống “xa quần chúng” vốn khá bình thường ở nước ngoài.
Ông giáo Đoàn Minh Xương đã phải rời đội hạng Nhất Ninh Bình khi không hợp với các cầu thủ đội nhà, và cũng do người phó của mình là Nguyễn Văn Sỹ có uy tín hơn, chứ chưa chắc đã hơn về tài năng lẫn kinh nghiệm.
HLV cạo gội Nguyễn Văn Nhã ở Cần Thơ cũng thế, bao năm dẫn dắt Công An Hà Nội (CA.HN) đầy “quái nhân” trụ được. Nhưng khi về đội bóng hạng Nhất Tây Đô lại “nửa đường đứt gánh”.
Lý do cũng khá đơn giản, một vài cầu thủ trụ cột không ưa ông, cựu HLV CA.HN đưa 2 sự lựa chọn với lãnh đạo: Một mình sẽ đi, 2 nhóm cầu thủ làm loạn sẽ phải đi. Và rốt cuộc, lãnh đạo đội bóng Cần Thơ đã chọn…cầu thủ. Thế mới đau.
3. Vui không khi khốc liệt kiểu đó?
Chuyện thay huấn luyện viên thực ra rất bình thường ở bất cứ nền bóng đá nào, và ở Việt Nam càng không là ngoại lệ trong hành trình lên chuyên và hưởng lợi rất nhiều từ ngày khoác áo mới đó.
Còn mấy đội bóng ở Việt Nam có được bản sắc như ĐT.LA? (Ảnh: Phương Tuyên)
Nhưng, có thể thấy rõ tất cả những sự ra đi của các huấn luyện viên ở Việt Nam đều na ná giống nhau. Hầu như các lý do buộc họ “thất nghiệp” đều mang hơi hướm của một nền bóng đá nghiệp dư.
Thua một vài trận là thay, bất đồng quan điểm với các sếp, các cầu thủ là thay. Đó chẳng phải cách làm của bóng đá nghiệp dư là gì? Và đó chỉ là sự khốc liệt ảo khi việc thay tướng đôi lúc chỉ làm hài lòng một nhóm người nào đó.
Đến 1 đội bóng mới, 1 nơi mới vốn đã rất khó để thích nghi, và khi chưa kịp làm được điều gì đã phải nhường ghế, điều đó khiến cho 28 đội bóng ở 2 hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt mấy đội có được bản sắc riêng cho mình?
Rất ít, thậm chí không muốn nói là không có. Ngày trước ĐT.LA để có món đặc sản là phòng thủ – phản công cũng đã phải rất kiên nhẫn với HLV Calisto để rồi mới thành công đấy thôi.
Thế thì với cách thay tướng như thay áo như hiện tại rất khó đội bóng nào có được bản sắc, đặc trưng riêng, bởi đơn giản sự kiên nhẫn là thứ gì đó xa xỉ với bóng đá Việt.
Và nhìn vào sự kiện Thanh Hoá thay tướng vừa rồi, có ai dám chắc Hà “tí tồ” sẽ giải cứu thành công đội bóng quê hương trong tình trạng “thiếu tiền, và thiếu quân” như hiện tại?
Nếu lãnh đạo đội không thực sự đặt niềm tin và cho cựu tuyển thủ này thời gian, rất khó để Quang Hà “thay máu” đội trong một sớm một chiều nếu không muốn nói là có quá nhiều thách thức phía trước.
Vậy thì vui hay buồn?