Thầy trẻ mở lối… thiên đường

Với chúng ta – những người hâm mộ bóng đá Việt Nam thì câu chuyện về Guardiola không chỉ dừng lại ở phạm vi một ông HLV ở một nền bóng đá giàu thành tích, mà nó – câu chuyện ấy và ông HLV ấy còn gợi mở cho chúng ta những ý tưởng về những gì đang diễn ra trong nền bóng đá của chúng ta.

Khi Barcelona đăng quang ngôi vua châu Âu thì cái tên được ca tụng nhiều nhất, không ai khác, chính là HLV trưởng Pep Guardiola. Quả thật, Guardiola đã làm được quá nhiều điều với một đội bóng mà sự tài hoa luôn tỉ lệ thuận với những bất đồng nội bộ.

Nhưng với chúng ta – những người hâm mộ bóng đá Việt Nam thì câu chuyện về Guardiola không chỉ dừng lại ở phạm vi một ông HLV ở một nền bóng đá giàu thành tích, mà nó – câu chuyện ấy và ông HLV ấy còn gợi mở cho chúng ta những ý tưởng về những gì đang diễn ra trong nền bóng đá của chúng ta.

1. Ai đã đưa Guardiola lên ghế thuyền trưởng Barcelona thay cho người tiền nhiệm Rijkaard? Câu trả lời: Chính Guardiola. Trong một bối cảnh mà ngôi nhà bóng đá Barcelona đang tan hoang bởi những mâu thuẫn nội bộ và những thành tích bết bát, Guardiola khi ấy đang là HLV đội B Barcelona đã tự tin đến gặp lãnh đạo CLB để nói: “Hãy giao đội bóng cho tôi”.

Chi tiết này cho thấy Guardiola là một người tự tin hiếm có. Khi chính thức ngồi ghế HLV trưởng Barca, Guardiola còn tự tin “chém thẳng” Ronaldinho và Deco – một thông điệp để nói với phần còn lại của đội bóng rằng: “Dưới trướng của tôi, đội bóng phải là một tập thể đúng nghĩa, chứ không phải là chỗ của những ông sao”. Để chứng minh cho cái tính chất “tập thể đúng nghĩa” ấy, chính Guardiola cũng khép mình vào một khung kỷ luật hệt như các cầu thủ.

Có lần, chiếc xe ôtô của ông bị hỏng giữa đường, ông đến sân tập muộn so với qui định. Tức thì, ông rút 500 euro nộp phạt và đứng trước toàn đội để nói lời “xin lỗi”. Điều này giải thích vì sao sau trận chung kết cúp nhà vua thắng lớn, 5 cầu thủ trong đội đã đi ăn mừng quá đà, dẫn tới việc về đội khuya thì họ cũng lập tức nộp 3.000 euro tiền phạt.

Rõ ràng là Guardiola với sự tin và tinh thần kỷ luật của mình đã thực sự làm Barcelona thay da đổi thịt. Vì vậy chức vô địch Champions League mà Barca đạt được giống như một món quà xứng đáng dành cho ông. Chức vô địch ấy còn như nói lên một bài học, một chân lý: Một HLV dù trẻ đến mấy và non kinh nghiệm đến mấy vẫn có thể thành công, một khi ông ta có được phương pháp đúng.

2. Từ chuyện của Guardiola và những bài học toát lên từ nhà cầm quân này, chợt hỏi: BĐVN hiện tại có bao nhiêu ông thầy trẻ, và khả năng vươn tới thành công của những ông thầy đó đến đâu? Dường như là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà đội vô địch V.League (SHB Đà Nẵng) và đội vô địch giải hạng nhất (Vinakansai Ninh Bình) sau giai đoạn lượt đi mùa giải này đều đang được huấn luyện bởi những ông thầy trẻ.

Guardiola “làm được”… thì những Huỳnh Đức, Văn Sỹ cũng “làm được”?

Cách đây 1 năm, khi Huỳnh Đức bất ngờ lên thay Phan Thanh Hùng ở Đà Nẵng thì rất nhiều người đã… bĩu môi. Cái bĩu môi ấy thật dễ hiểu, bởi ở Đà Nẵng, Phan Thanh Hùng có tầm ảnh hưởng quá lớn tới các cầu thủ, trong khi Huỳnh Đức thì lại quá trẻ và quá non.

Những ngày đầu tiên Đức cầm quân, anh đã bị một nhóm cầu thủ chống đối ra mặt. Thế nhưng, cũng giống như Guardiola ở châu Âu, Đức quyết định áp dụng chiến lược bàn tay sắt. Cái chiến lược mà với nó bất kể “ông sao” nào có biểu hiện “sao” đều sẽ bị đầy trên ghế dự bị, thậm chí là trên khán đài.

Vắng những “ông sao”, Đà Nẵng có thể yếu hơn về lực nhưng lại đều hơn về sức và đoàn kết hơn về mặt tinh thần. Kết quả là đội bóng vẫn chạy tốt, và những “ông sao”, kể cả sao nội lẫn sao ngoại dần dần cũng hiểu ra vấn đề. Và hiệu quả đến tức thì khi Đà Nẵng càng chơi càng hay và đang là ứng cử viên số 1 cho ngôi “vua” V.League mùa này.

Cũng giống với trường hợp của Đức, ở Ninh Bình, Văn Sỹ đã bất ngờ được chỉ định ngồi lên ghế thuyền trưởng thay Đoàn Minh Xương. Ngày thay tướng Xương, Văn Sỹ phải đối diện với vô số khó khăn: Đội bóng trôi không phanh trên bảng tổng sắp, tinh thần rệu rã và lực lượng rối bời.

Lập tức, Sỹ lên kế hoạch tái thiết đội bóng, mà đầu tiên là tái thiết niềm tin với tôn chỉ: “Hãy quên đi những gì đã qua. Hãy sống cùng hiện tại với tinh thần có bao nhiêu, chơi bấy nhiêu”.

Cùng với công cuộc tái thiết tinh thần, Sỹ thực hiện hàng loạt những thay đổi chuyên môn, để rồi từ đó Đinh Hoàng La chắc chắn hơn trong khung gỗ, Đinh Hoàng Max bùng nổ hơn trên hàng tiền vệ, còn đội bóng thì khả quan hơn cả về mặt phong độ lẫn thành tích. Lúc này, nếu đặt câu hỏi: “Đội bóng nào có cơ lên V.League cao nhất?”, chắc chắn là cả 10/10 người được hỏi sẽ đồng thanh trả lời: “Vinakansai Ninh Bình”.

3. Đêm chung kết Champions League 2008 – 2009, cả châu Âu tôn vinh thầy trẻ Guardiola và dành cho ông những lời ca tụng hoa mĩ nhất. Sự tôn vinh ấy có thể chính là một nguồn cổ vũ lớn hơn mọi nguồn cổ vũ cho những ông thầy trẻ Việt Nam đang hành nghề.

Guardiola đã dẫn những đôi chân Barcalona vào một thiên đường bóng đá trong một đêm nhiệm màu thành Roma. Ở Việt Nam, những Huỳnh Đức, Văn Sỹ và có thể là cả Hữu Thắng (tân HLV của T&T Hà Nội) cũng sẽ có đủ khả năng để dẫn đội bóng của mình lên cổng thiên đường?

Hơn lúc nào hết, chúng ta đang tin và đang có những cơ sở để tin vào sự thăng hoa của những ông thầy trẻ!