Sự nổi tiếng và… cái lông mày

Cuộc thi đình đám “Britain’s got talent – Nước Anh có tài năng” mùa 2009 đã kết thúc. Nếu không có hiện tượng Susan Boyle, có lẽ chúng ta ở VN cũng không quan tâm nhiều đến cuộc thi nơi cách đây khoảng 20 giờ bay này. Kết quả cuộc thi cho thấy ai tài năng hơn thì chiến thắng.

Susan Boyle, dù tài năng của cô là không thể phủ nhận, đã dừng bước trước nhóm Diversity – hiện thân của sức mạnh tập thể được gắn kết chặt chẽ.

Susan Boyle và bó hoa lớn sau vòng chung kết Britain’s got talent – Ảnh: EMPICS Entertainment/Daily Mail

Mùa giải năm nay được đánh giá là nhiều cảm xúc hơn hai mùa giải trước: nhiều tiếng khóc, nụ cười hơn và kịch tính hơn. Hãy bình tĩnh nhìn lại: nếu ống kính của truyền hình không chộp được những cái nhíu mày và nụ cười nhếch mép coi thường của vài khán giả nữ khi Susan Boyle lần đầu tiên ra sân khấu thì đường trở thành ngôi sao của cô biết đâu lại trắc trở hơn. Vì con người khi đó không có chỗ để thể hiện lòng thương và bảo vệ người yếu thế.

Người phụ nữ 48 tuổi, sống một cuộc đời bình lặng ở một ngôi làng nhỏ tại Scotland, có chút khó khăn về khả năng theo đuổi con đường học vấn, bạn thân là chú mèo, bỗng vụt sáng trở thành hiện tượng, tâm điểm chú ý của thế giới. Hơi sớm nếu đánh giá Susan Boyle có thể “thương mại hóa” tài năng của mình, vì để khẳng định điều đó cần một quãng đường dài. Hãy tạm nhìn nhận cô như hiện tượng của truyền thông, được tôn vinh thêm bằng những công cụ truyền tin đầy quyền lực là Internet.

Susan Boyle, để an toàn, trong vòng chung kết đã chọn bài hát cũ I dreamed a dream: yếu tố bất ngờ đã không còn. Trong cuộc thi tốt nhất là không nên để tình cảm chi phối quá nhiều đến lựa chọn của mình. Hãy công bằng để cho tài năng thật sự lên tiếng. Dân Anh đã làm được điều đó khi thực hiện việc bầu chọn.

Sự nổi tiếng của Susan Boyle đến nay đem lại cho cô những gì khi chuyện cô sửa lông mày – việc làm rất bình thường của phụ nữ – cũng được đưa lên trang nhất các báo khổ nhỏ! Báo Daily Mail dẫn lời bạn bè và hàng xóm của cô cho biết gần đây cô tâm sự mong muốn trở về làng quê nhỏ bé và thanh bình ở Blackburn, West Lothian, để sống như trước đây.

Nổi tiếng bất ngờ không hẳn là món quà phù hợp với bất cứ ai. BBC cho biết sau vòng chung kết cô đã phải vào bệnh viện vì “suy sụp sức khỏe”, cảnh sát hộ tống đi cùng. Người phát ngôn của Britain’s got talent bác bỏ thông tin rằng Susan đang phải cần đến thuốc men chữa trị thần kinh, nhưng công nhận cô đang bị áp lực khủng khiếp.

Daily Mail viết cô ấy chỉ còn muốn những điều giản dị của cuộc sống: như hằng tuần uống một ly nước chanh và thử vận may trong cuộc thi karaoke cấp xóm ở quán rượu Moran’s Turf vào tối chủ nhật. Nhưng chuyện đó đâu có dễ. Chỉ có Hãng băng đĩa Sony BMG biết rõ. Một đội cố vấn luật, tâm lý và các dịch vụ quản lý đang tiếp cận cô, cung cấp cho cô những gì mà họ cho rằng cô cần. Nhiều chuyên gia tâm lý hàng đầu thế giới cho rằng sẽ vô cùng nguy hiểm cho Susan nếu cô vụt trở nên thành công hơn.

Trong vòng vài ngày tới, Susan Boyle sẽ bắt đầu tập luyện với các bạn diễn khác của Britain’s got talent cho vòng biểu diễn kéo dài 18 ngày của Britain’s got talent bắt đầu từ 12-6. Susan sẽ được trả 500 bảng/đêm. Cô cũng sẽ bay đến Czech để thu âm đĩa đầu tiên với dàn giao hưởng quốc gia nước này trong ba ngày. Giám khảo Simon Cowell nghĩ là đĩa này sẽ chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng của Mỹ, và các chuyên gia ngành giải trí dự đoán có thể đem lại món lời 10 triệu bảng Anh trong năm đầu tiên.

“Tầm” của Susan Boyle như vậy là khác hẳn so với Paul Potts – sản phẩm của năm đầu tiên Britain’s got talent, khi giọng ca tenor này kiếm khoảng 5 triệu bảng. Đó là chưa kể tới bộ phim làm về cuộc đời cô, hồi ký…

Thành công cho kênh truyền hình ITV

Britain’s got talent đã thành công khi tìm kiếm được tài năng từ những người bình thường. Nhưng có lẽ thành công nhất là kênh truyền hình ITV với 19,2 triệu người xem, có nghĩa là 72% số người xem tivi ở Anh đã theo dõi trực tiếp chương trình. Con số tương tự chỉ có ở vòng tứ kết World Cup 2006 giữa Anh và Bồ Đào Nha (19,7 triệu) trên kênh BBC1 năm 2006.

Một yếu tố quan trọng khác, ngoài tài năng của những người bình thường được Britain’s got talent khai thác tối đa, là cảm xúc và phản ứng của khán giả. Cái nhíu mày, bĩu môi của khán giả trước Susan Boyle ít ra cũng thể hiện đúng cảm giác của họ lúc đó. Những màn vỗ tay khích lệ không dứt của khán giả dành cho những người biểu diễn. Đó là văn hóa khích lệ và khen ngợi khi người khác làm tốt một điều gì đó.

Cách biểu lộ cảm xúc ca ngợi, phản đối rất tự nhiên chứ không phải lên gân lên cốt, là con đường ngắn nhất tạo nên cảm xúc của người khác và thành công của chương trình truyền hình dạng Britain’s got talent.