Scandal là gì?

Tôi thấy trên wikipedia.org giải thích cụm từ “Vụ bê bối” như sau:

Vụ bê bối (gốc tiếng Pháp: scandale, tiếng Anh: scandal, phiên âm tiếng Việt: Xì-căng-đan) là những việc làm dư luận quan tâm, nhưng phần lớn là phẫn nộ. Một vụ bê bối có thể tự nó phát sinh khách quan theo thực tế của người trong cuộc hoặc nó chính là sản phẩm theo ý đồ của người trong cuộc hoặc pha trộn của cả hai. Đôi khi, một vụ bê bối được dựng lên như một lớp vỏ để che đậy một vụ bê bối trước liên quan đến nó. Các loại scandal phổ biến là:

* vụ bê bối chính trị.

* vụ bê bối tình dục.

* vụ bê bối thể thao.

* vụ bê bối báo chí.

* vụ bê báo an toàn vệ sinh thực phẩm.

* vụ bê bối tiền bạc liên quan đến quản trị của các công ty.

* vụ bê bối liên quan đến các người nghiên cứu tại đại học hay các viện nghiên cứu.

* …

Tôi tìm trên từ điển Vdict.com nghĩa của từ scandal thì nhận được sự giải thích: việc xúc phạm đến công chúng, việc làm cho công chúng phẫn nộ, việc xấu xa, nhục nhã; sự gièm pha, nói xấu sau lưng; lời thóa mạ (ở tòa án), sự phỉ báng pháp lý.

Vdict lại giải thích từ scandale theo nghĩa tiếng Pháp: việc gây tai tiếng, điều điếm nhục, sự công phẫn, cuộc cãi cọ ồn ào; tội xúi bậy, tội sa ngã, việc gây cản trở lòng tin, việc gây bất hòa (trong tôn giáo).

Tôi thích cách lý giải của Jay M. Shafritz hơn:

1. Scandal (vụ bê bối, tai tiếng), trước đây trong tôn giáo được coi là sự phạm pháp của một người giữ chức vụ cao cấp. Thuật ngữ này đã được thông dụng để chỉ những hành động của một người nắm chức vụ cao cấp nhưng đã làm ô uế chức vụ đó.

2. Việc phơi bày sự tham nhũng trong các cơ quan nhà nước. Do bản chất tham nhũng của quyền lực chính trị là khó tránh khỏi các vụ bê bối. Hãy nhớ câu châm ngôn của sử gia Anh quốc, Huân tước Acton (1834 – 1902): “Quyền lực có xu hướng tham nhũng; quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối”. Đối với tham nhũng, câu hỏi đặt ra không phải là tại sao mà là lúc nào.

3. Hành động chính trị hoàn toàn hợp pháp nhưng đáng ngờ về mặt đạo đức. Như nhà báo Micheal Kinsley, chủ bút tờ New Repulic thường nói: “Các vụ bê bối ở Washington không phải là những gì bất hợp pháp, mà là những gì hợp pháp”. Đây còn được gọi là Định luật Kinsley.

Có thể nói “một scandal đỉnh cao/ kinh điển” là một vụ bê bối chính trị bị phanh phui, theo hướng làm trong sạch (tẩy uế), chứ không chỉ dừng lại ở ngưỡng cửa của sự tò mò hoặc gây phẫn nộ cho cộng đồng nói chung, được không?

Ở Việt Nam thì sao? Từ “Scandal” đang được Việt hóa một cách không đúng với nghĩa cơ bản của nó. Và dường như người Việt chỉ thích sử dụng từ này như để chỉ một vụ tai tiếng – ầm ĩ, và đa phần trong số đó thường liên quan tới chuyện buồng the. Hôm nay, trên google, nếu bạn tìm scandal Thủy top sẽ được 503.000 kết quả, scandal Ngọc Sơn: 330.000, scandal Đan Lê: 376.000, scandal Mai Phương Thúy: 243.000 kết quả… Những vụ việc tạm gọi là nhuốm mầu chim cò, phong nhũ phì đồn. Còn “scandal là gì” thì chỉ cho ra 18 kết quả – rất ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa thật sự của nó.

Mô hình tạo scandal phổ biến hiện nay tại Việt Nam:

1. Mở màn hết sức ầm ĩ, hoặc ít nhất cũng phải tỏ ra là nó đang rất ầm ĩ. Chẳng hạn la làng lên rằng có hai kẻ nổi tiếng ai cũng biết danh tính làm tình trên ô tô, giữa ban ngày ban mặt, ngay tại chỗ đông người qua lại.

2. Mô tả cụ thể, cận cảnh.

3. Có thể vấp phải các rào cản, ngáng trở, chẳng hạn sự can thiệp xyz hoặc tỏ ra là có sự can thiệp xyz.

4. Sự thật được bóc trần, và thường không phải là cái mà cộng đồng mong đợi.

Rất phổ biến. Chỉ có thể gọi đó là những scandal sơ khai, scandal nguyên thủy mà thôi.