Yahoo! 360: công và tội

Mạng xã hội lớn nhất VN đóng cửa. Một cuộc trò chuyện trực tuyến giữa những blogger lâu năm quanh sự kiện này được mở ra, và chuyên gia web 2.0 có tên thân mật là Panda độc chiếm diễn đàn với một loạt câu hỏi và tự trả lời vì… không biết hỏi ai.

Sao Yahoo! lại “đem con bỏ chợ”?

Có một tài sản cực lớn mà không biết quý: lượng người dùng cực khủng (theo thông tin không chính thức, số người dùng Yahoo! 360 ở VN chiếm đa số so với tổng số người dùng Internet), việc email và thông báo đóng cửa trên trang chủ 360 có tiếng Việt đã chứng minh chuyện đó. Ngoài con số người dùng ra, chính sự hoạt động liên tục của các blogger năng nổ đã tạo ra một khối thông tin khổng lồ, đa dạng, nhiều màu sắc và rất hay.

Các blogger “than thở” đầy tiếc nuối khi chia tay Yahoo! 360

Sự quan hệ bạn bè của các blogger với nhau cũng thành hình một mạng xã hội đầu tiên ở mức sơ khai ở VN. Thương hiệu 360 cũng là tài sản cực kỳ giá trị mà nhiều bên sẵn sàng mua lại.

Mất lòng tin vào Yahoo!

King Kong – blogger đình đám giai đoạn đầu – nhận định: Đây đã từng là sân chơi sôi nổi nhất từ trước đến nay của cộng đồng mạng VN. Nhưng nó đã làm cả cộng đồng “sống trong sợ hãi” thấp thỏm, vật vã ở giai đoạn cuối, làm mất lòng tin của quá nhiều người sử dụng, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu Yahoo! (chậm, lỗi, thiếu sự chăm chút cho thị trường VN…).

Blogger Ngôn, chàng trai từng đứng trên bục cao nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt, rút ra kết luận: “Công lớn của Yahoo! 360 là khuyến khích người dùng viết blog, thể hiện nhiều quan điểm khác nhau về nhiều khía cạnh của xã hội. Tạo nên sự xuất hiện nhiều hình thức như: báo chí công dân, tiếp thị/PR qua blog, các trào lưu tự đưa hình lên mạng, tạo ra những con người thú vị trong cuộc sống.

Nhưng tội nặng của mạng này là tạo ra nhiều nội dung xấu: nói xấu người khác, sex… không kiểm soát được”.

Vậy mà vẫn đóng?

Từ góc độ toàn cầu, 360 là sản phẩm thất bại vì các sản phẩm khác không phải của Yahoo! như Facebook, MySpace, Multiply… có nhiều tính năng nổi trội hơn. Quyết định đóng cửa được đưa ra bởi người sáng lập và cũng là CEO lúc đó: Jerry Yang, để tái cơ cấu hiệu quả công ty (trước sức ép rất lớn của cổ đông), những sản phẩm không thành công cần phải được cắt bỏ.

Vậy sao 360 lại thành công ở VN?

Nhờ lượng người dùng cực lớn của Yahoo! Messenger, mọi cập nhật trên 360 đều thấy trên Messenger. Và hiệu ứng này lan ra nhanh chóng.

Tác động của việc đóng cửa ai chịu?

Blogger bàng hoàng, lạc lõng, không biết phải làm gì. Một mạng xã hội, một mạng lưới bạn bè quen nhau, thân nhau, cập nhật tình hình về nhau, viết bài, chia sẻ, comment, “chào hỏi” mỗi ngày, bỗng nhiên một ngày bị tan rã, manh mún, không biết đi đâu về đâu. Facebook, WordPress, Multiply, 360plus… chưa có “bè phái” nào thật sự đủ mạnh để toàn bộ dân 360 “di cư” qua, tình hình hiện giờ rất manh mún.

Lẽ ra Yahoo! nên làm gì?

Lẽ ra một ngày mới thức dậy, đăng nhập vào 360, đọc được câu “chúc mừng bạn, 360 đã được nâng cấp thành 360plus phục vụ riêng cho người VN, bạn không cần phải làm gì cả, mọi thứ vẫn như cũ: entries, comments, pageviews, friends, blast, testimonials, avatar… Giống như là chả có gì thay đổi cả, chỉ có thêm tính năng mới thôi”. Hoặc là bảo Yahoo! Mỹ đưa cái Yahoo! 360 cho Yahoo! VN quản lý đi, hay vì thị trường VN không đủ lớn để có tiếng nói?

Chí ít là phải nói chuyện trực tiếp với người dùng? Mấy chuyện nhỏ nhỏ mà mình còn phỏng vấn online được, chuyện lớn ảnh hưởng cả triệu người sử dụng mà không làm, sao không hỏi người dùng vì sao không muốn qua 360plus để thay đổi cho phù hợp, để lấy lại lòng tin?

Tội nặng nhất là làm cho người ta phải lòng với 360 rồi tàn nhẫn chia tay, dứt áo ra đi không quay lại, dù cho tình yêu còn nồng nàn thắm thiết, dù cho người sử dụng van xin khóc lóc. Thà biết trước thì đừng “yêu” nhau.

Người sử dụng thì “ghét và hận”, nhưng vẫn còn thương Yahoo!, nhưng chắc kỷ niệm đẹp như xưa không bao giờ quay lại được. Giờ users thì di tản khắp nơi, không biết đâu là bến đậu an toàn (sau bao nhiêu thứ đã trải qua thì còn tin ai được), Yahoo! thì vẫn hì hục với 360plus và quá chừng người dùng rất trẻ, khác xưa lắm rồi.