Sinh viên đại gia “bao” ký túc xá

Trong khi có rất nhiều sinh viên nghèo vượt khó thì bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên “đại gia” luôn muốn thể hiện đẳng cấp bằng cách phô trương dưới sự chu cấp của gia đình.

Bao trọn 4 giường ký túc

Trong căn phòng ký túc 10 mét vuông là chiếc giường rộng rãi với bộ chăn ga gối đệm hàng hiệu, trọn bộ bàn ghế vi tính màu hồng, bàn trang điểm, điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh và đầy đủ những đồ gia dụng cần thiết khác. Tất cả những vật dụng đó đều nói lên một điều chủ nhân của nó còn đang trong độ tuổi teen. Nếu như không nằm trong khuôn viên của một trường đại học tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) thì cũng khó có thể tin rằng đây là phòng ký túc xá học sinh.

Đây là căn phòng dùng điện riêng với đầy đủ tiện nghi như trong một căn hộ, không có 4 chiếc giường tầng như các phòng khác mà kê thêm bộ ghế sô pha. Chủ nhân của căn phòng màu hồng này là một nữ sinh, cô rất thích tự mình trang trí cho căn phòng.

Một góc phòng “tiểu thư”

Ngay từ năm thứ nhất cô đã dọn vào phòng này và đóng 4800 tệ/ năm (khoảng 13 triệu đồng Việt Nam), tương đương với lệ phí của 4 suất/phòng. Để phối hợp hài hoà với nội thất trong phòng, bồn rửa mặt trong ký túc cũng được lát đá hoa, những vật dụng vệ sinh cá nhân cũng được mua trọn bộ màu hồng, khác xa so với 1 dãy các đồ vật tương tự tại các phòng khác. “Chắc mua sắm tất cả cũng chẳng đến 6000 tệ đâu mà sau này lại có thể đem về nhà dùng”, nữ sinh cho biết.

Căn phòng được mệnh danh “báu vật ngày hạ” có phần cô độc so với xung quanh khi mỗi tối các phòng khác trong khu ký túc bị ngắt điện thì nó vẫn hoạt động bình thường. “Cuộc sống như vậy thật dễ chịu, điện nước của căn phòng được tính tiền riêng, mỗi tuần không quá 20 tệ, rất rẻ”, nữ sinh tự hào.

Theo như một giáo viên cho biết thì hiện nay chỉ có vài sinh viên trong trường đăng kí dịch vụ như vậy, hầu hết là sinh viên năm thứ 2, thứ 3. “Khi vào năm 2, năm 3 thì sẽ có một số phòng trống nên khi học sinh đăng ký nhà trường sẽ chấp nhận. Còn với năm thứ nhất, lượng học sinh đông sẽ không có chỉ tiêu”.

Một bà mẹ có con cũng ở phòng tương tự như vậy nói: “Con gái tôi học nghệ thuật, một mình một phòng sẽ càng có nhiều không gian sáng tạo, lại không dễ bị nhiễm những thói hư tật xấu bên ngoài. Sinh viên nên học cách tự lập và tự rèn luyện”.

Phòng ký túc bình thường

Một nam sinh thì do “đã từng bị gãy chân vì ngã từ trên giường xuống lúc ngủ” nên nhất quyết phải thuê hẳn 1 phòng, ngủ giường trệt cho an toàn. “Nhà trường không cho ra ngoài ở nên tôi bắt buộc phải chọn cách này”.

Nữ sinh khác cũng cho rằng cho phép mỗi người một phòng riêng thể hiên cách quản lý “nhân tính hóa” của nhà trường và không hề ảnh hưởng đến sự giao lưu và những mối quan hệ của học sinh. “Rất nhiều gia đình có nguyện vọng và khả năng kinh tế để thực hiện điều đó, chủ yếu là có muốn hay không thôi”, cô cho biết.

Bên cạnh những ý kiến như “Có gì đâu, miễn là không ảnh hưởng đến người khác là được” hay “nên tôn trọng thói quen của mỗi người”… thì vẫn có những ý kiến coi đây là việc khoe khoang, hợm hĩnh, lãng phí tài nguyên ký túc, và “Sinh viên đến để học chứ không phải để hưởng thụ cuộc sống”…

Các chuyên gia ngành giáo dục thì cho rằng: 4800 tệ là số tiền không lớn nhưng vấn đề ở đây không phải là tiền, học sinh nên tuân theo quy định chung của tập thể. Hiện tượng trên trách nhiệm được chia đều cho nhà trường, học sinh và phụ huynh: Học sinh thiếu ý thức bình đẳng dân chủ, nhà trường lơ là khâu quản lý còn gia đình thì chiều chuộng con cái thái quá.