Những ai đang ở trong ký túc xá?

Trong khi sinh viên các trường ngoài công lập ao ước được ở ký túc xá (KTX) thì tại nhiều trường ĐH công lập, một số KTX trở thành nhà cho thuê của nhiều đối tượng không phải sinh viên.

Sinh viên ra ngoài ở, KTX “phần” cho dân

Câu chuyện KTX biến thành chung cư ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không mới. Nó đã xảy ra và được phản ánh từ năm 2008. Nhưng xem ra, thình hình vẫn chuyển biến chưa nhiều. Qua tìm hiểu được biết, KTX của trường hiện đang có rất nhiều cựu sinh viên ở cùng sinh viên.

Một sinh viên năm thứ 2 cho biết, KTX của trường có nhiều khu, có khu mới xây và có khu đã cũ. Ngoài sinh viên của trường, hiện ở một số khu có những người đã đi làm có thể đến ở.

Nhà B6 không được coi là “khu VIP” như B10 mới được xây dựng, nhưng nó được nhiều sinh viên lựa chọn. Bởi lẽ, trong khi các dãy B khác, sinh viên phải ở 10 người/phòng với giá thuê từ 100.000đ – 120.000đ/người, thì tại B6, với cùng diện tích chỉ có 4 người ở và giá thuê là 250.000đ/người, ở khép kín.

Người ở B6 đóng 50.000đ tiền nước một kỳ và được nhà trường hỗ trợ cho 10 số điện/người/tháng. Tuy nhiên, đây cũng là dãy nhà được nhiều người không phải sinh viên thuê nhiều nhất, từ tầng 2 đến tầng 4. Có phòng 100% là người ngoài như ở tầng 2, nhưng cũng có phòng sinh viên và “không sinh viên” ở cùng nhau. Giá thuê của “người ngoài” và “người trong” là đồng hạng.

Cũng theo phản ánh của sinh viên, tại B3, B7, B8, B9, B10 đều có tình trạng này. Cá biệt, cũng có cả hộ gia đình đến ở tại KTX.

Không chỉ có vậy, trong KTX của ĐH Bách Khoa, ngoài căng tin chung của KTX còn có rất nhiều các quán giải khát, quán cơm. Có lẽ tại sinh viên của trướng quá đông nên căng tin “nuôi” không xuể. Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Hơn 70% sinh viên phải tìm phòng trọ bên ngoài. Dù chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không thể kham nổi, bởi số lượng SV tăng nhưng đất không tăng.

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (Ảnh: vysan.net)

Hơn 50 sinh viên chung một nhà vệ sinh

Cũng tại KTX Trường ĐH Bách Khoa, chỉ một số ít sinh viên được ở phòng khép kín còn lại sinh viên dùng chung công trình phụ. Trung bình mỗi tầng có 10 phòng với 2 công trình phụ hai đầu, tức khoảng 50 sinh viên/công trình phụ.

Buổi sáng, đến một số dãy nhà KTX của trường, cảnh sinh viên ngồi trước cửa phòng đánh răng, rửa mặt là “chuyện thường ngày ở KTX”.

“Các khu nhà trong khu KTX hiện nay đều xuống cấp nghiêm trọng. Không những thế nhà vệ sinh lại hết sức chật chội và không sạch sẽ. Vào lúc sáng sớm và buổi chiều, lượng sinh viên đông nên việc sử dụng nhà vệ sinh rất khó khăn và bất tiện. Mọi hoạt động tắm giặt, giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt… đều được thực hiện ở đây. Sàn nhà lúc nào cũng ẩm ướt và có mùi rất khó chịu”. T.H (Khoa Kinh tế và Quản lý) ngao ngán kể.

K.Q (Khoa Công nghệ Sinh học) chia sẻ: “Khu nhà tắm có 2 vòi nước đủ cho 2 người tắm, nhưng lúc nào ở đây cũng vượt quá công suất. Có hôm thì 5 người, có hôm lên tới 10 người. Những người không chịu được cảnh chờ đợi, chen chúc thì đành chờ đến đêm”.

K.H (Khoa Điện) đang giặt đồ phàn nàn: “Đôi khi mình thấy rất bất tiện. Đánh răng, rửa mặt, giặt giũ… cũng thấy không được sạch sẽ. Đấy là chưa nói đến tình trạng phải xếp hàng chờ đến lượt mình. Có hôm mình chờ mãi mà không đến lượt tắm mặc dù đã chuẩn bị từ 30 phút trước”.

Ông Phạm Thanh Nghị – Giám đốc khu KTX Trường giải thích: “Các nhà trong KTX hầu hết được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều chỗ không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Từ những năm 1990, trường đã tiến hành cho sửa chữa thành khu khép kín, các nhà còn lại đều được tu bổ, nâng cấp hàng năm với mức kinh phí trên 500 triệu đồng. Mặc dù mỗi năm Trường vẫn được Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp cho một khoản ngân sách nhất định, nhưng số tiền này ngoài việc chi cho KTX còn được dùng để mua sắm trăng thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ nhu cầu học tập, thực hành nghiên cứu của sinh viên. Vì thế vẫn còn một số khu nhà sinh viên vẫn phải dùng nhà vệ sinh chung với cường độ cao. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa lại khu nhà B5, B9 tiến tới sửa chữa và nâng cấp toàn bộ khu KTX.

Mỗi khu KTX đều có nhân viên vệ sinh làm công việc quét dọn hàng ngày. Ban quản lý và câu lạc bộ sinh viên trong các khu nhà cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, nhưng quan trọng vẫn là ý thức sinh viên. Nhiều sinh viên chưa thật sự có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung”.

Bộ GG & ĐT nói gì?

Trao đổi về vấn đề KTX biến thành chung cư, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưỏng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD & ĐT cho biết, năm 2008, Bộ phận được phản ánh của báo chí về vấn đề KTX của Trường ĐH Bách Khoa. Bộ đã có công văn gửi xuống trường. Trường đã gửi báo cáo lại khẳng định không có chuyện có người ngoài vào ở lại KTX của trường. Còn năm nay, Bộ chưa nhận được phản ánh nào về vấn đề này, Bộ sẽ cho kiểm tra.

Theo ông Bá, việc điều chỉnh chỗ ở cho sinh viên tại KTX là do các trường quyết định và đã có quy chế cho vấn đề này. Đời sống của sinh viên trong KTX Bộ cũng không quản lý, vì Bộ không thể đi từng trường để yêu cầu làm thế này chưa được, làm thế kia là được. Hằng năm, Bộ đều có các cuộc kiểm tra một số trường. Ngoài ra, Bộ cũng thông qua thông tin báo chí, phản ánh của sinh viên và báo cáo của các trường gửi lên. Chỉ khi nào có thông tin trái chiều thì Bộ mới “vào cuộc”.

Ông Bá cũng cho biết, năm 2008, kết quả kiểm tra một số trường cho thấy, về KTX, không có vấn đề gì nổi cộm phải xử lý bằng văn bản, chỉ có một số trường công tác quản lý chưa được chặt chẽ.

Trường trả lời: “Đây là trường hợp đặc biệt”

Về phía Trường ĐH Bách Khoa, qua điện thoại, ông Bùi Đức Hùng, Trưởng phòng Công tác chính trị và Công tác sinh viên cho biết, ở KTX của trường không có hiện tượng cho hộ gia đình thuê. Nhưng trong KTX, Ttrường ĐH Bách Khoa và Trường ĐH Xây Dựng vẫn còn chung một số phòng và những phòng có hộ gia đình ở là của trường ĐH Xây Dựng.

Giám đốc khu KTX Phạm Thanh Nghị, giải thích cụ thể hơn: “Trước kia và hiện nay, tại tầng 1 khu nhà B3 có 9 phòng có hộ gia đình và sinh viên trường ngoài đang ở. Những người này không thuộc phạm vi quản lý của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội mà do Trường ĐH Xây Dựng trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý. Bởi lẽ, trước khi được tách làm 2 trường riêng biệt (PV: Trường ĐH Xây Dựng được tách ra từ Trường ĐH Bách Khoa) thì những phòng này được bố trí để sinh viên ngành xây dựng ở. Sau khi tách trường các em này vẫn ở tại đây. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên Ban giám hiệu nhà trường về việc này. Nhà trường cũng đã có công văn gửi Bộ GD & ĐT, Trường Đại học Xây Dựng nhằm tiến tới thu hồi lại những phòng trên phục vụ nhu cầu của sinh viên trong trường nhưng cho tới nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi”.

Về phía Trường ĐH Xây Dựng, Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tâm, cho biết, hiện nay trường ĐHXD còn 5 phòng tại nhà B3. KTX Trường ĐH Bách Khoa. Ông thừa nhận có 1 hộ gia đình là cán bộ của trường đang ở thuê trong số 5 phòng của trường. “Chúng tôi vẫn biết như thế là sai, KTX là để cho sinh viên thuê. Nhưng hoàn cảnh gia đình của người cán bộ này khá đặc biệt. Trường tạo điều kiện cho ở tạm một thời gian để họ tìm chỗ ở mới” – ông Tâm nói. Ông cho biết, trường cũng đã đốc thúc từ nay đến hết hè, gia đình ngưòi cán bộ đó sẽ chuyển khỏi KTX.