10 kỹ năng trong phòng thi

Hiện nay, khi các teen khác đang trong kỳ nghỉ hè thoải mái thì teen 9 và teen 12 vẫn đang căng thẳng chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp quan trọng.

Vì thế, ngoài hành trang là kiến thức thì kỹ năng, kinh nghiệm cũng như tâm lý trước khi thi là điều rất quan trọng bởi khi bước vào phòng thi, không phải ai cũng giữ bình tĩnh để hoàn thành bài thi tốt nhất.

Do đó, những “mẹo nhỏ” khi làm bài thi cũng như kỹ năng giữ vững tâm lý là điều cần thiết. TH8X sẽ “mách nhỏ” cho bạn.

Trước khi vào phòng thi, hãy xem sơ lược nội dung đã học: Mọi người thường bảo đừng bao giờ xem lại kiến thức trước khi giờ thi bắt đầu vì sẽ gây “nhiễu” kiến thức và quên đi những kiến thức cơ bản. Điều đó chỉ đúng cho những teen thường xuyên học tủ, học vẹt. Đôi khi, chính những kiến thức bạn đã xem sơ qua trước khi vào phòng lại xuất hiện ngay trong đề thi vài phút sau đó.
Đừng để ý những lời bàn tán về đề thi: Như vậy chỉ làm bạn cảm thấy bối rối, phân vân. Chính điều đó gây tâm lý hoang mang và tự ti.

Chú ý chi tiết các thông tin cần điền vào giấy thi: Đừng bỏ sót mục nào. Nếu chưa hiểu nên điền thông tin thế nào, hãy hỏi giám thị. Đừng dại dột hỏi thí sinh cùng phòng để rồi bị nhắc nhở. Nên hoàn thành tất cả các thông tin trong giấy làm bài trước khi phát đề.

Đọc sơ lược đề thi: Nhận được đề thi, đừng vội đặt bút vào làm. Hãy bình tĩnh xem toàn bộ đề bài, đánh dấu những phần chưa biết làm, và chú tâm làm những bài dễ trước.

Làm xong một bài rồi nên dò đáp án ngay, và đừng bận tâm đến nó nữa. Chính sự dây dưa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài làm.

Nếu làm bài thi trắc nghiệm: Giả sử câu nào còn phân vân giữa hai đáp án, hãy chọn đáp án đầu tiên mà bạn nghĩ ra. Đó là đáp án sáng suốt nhất của bạn, vì có thể những đáp án sau này do bạn hoang mang quá nên “suy diễn”, hoặc không tin vào bản thân.

Đối với những bài khó: Thật ra nhìn thấy đề bài lạ, chính tâm trạng lo sợ đã khiến bạn không thể làm bài, chứ nếu xem xét kỹ, đó cũng là một dạng bài quen thuộc. Cứ nhủ thầm: “Mình sẽ làm được!” và vận dụng hết kiến thức liên quan, tìm mối quan hệ giữa những câu trả lời trước, dần dà, kết quả sẽ hiện ra rõ ràng.

Nếu bạn quá mất bình tĩnh đến nỗi không thể suy nghĩ được: Hãy hít thở đều, và thầm nhủ “Chuyện này đơn giản thôi mà, không được 10 điểm thì 7 điểm cũng được”, và ra sức làm bài theo mục tiêu nhỏ của mình. Chính điều này có thể sẽ tạo nên một kỳ tích giúp bạn xua đi lo lắng.

Đừng bỏ những bài khó: Làm được phần nào thì vớt vát được điểm phần đó, bỏ trống xem như bạn đã từ bỏ cơ hội lấy điểm.

Sau khi làm xong: Dò kỹ xem bài nào chưa làm, dò lại đáp án, đồng thời xem lại số tờ ghi trên giấy thi. Nhớ cẩn thận đừng để bất cứ chi tiết “vô tình” nào khiến bạn bị xem là “đánh dấu lên bài thi” hoặc “quay cóp” bạn nhé!

Chúc các sĩ tử thi thật tốt nhé!