Học…“tiếng hiếm”, tại sao không?
Teen đang đổ xô đi học tiếng Đức, Ý, Thái, Tây Ban Nha…Có bạn trong đó hông?
1001 lí do học “tiếng hiếm”
“Tiếng hiếm” là cách mà teen nói về những ngoại ngữ chưa phổ biến ở Việt Nam như Ả rập, Lào, Khơ me… Trang Nhung (lớp 10 trường Hàn Thuyên) chen chúc giữa đám đông đến ghi danh tại Trung tâm Ngoại ngữ Đại học KHXH&NV, vừa thấy chúng tôi đã “rủ rê”: “Học tiếng Đức thích lắm nha! Tớ dự định sẽ du học Đức nên phải trang bị sẵn. Học phí ở Đức được chính phủ tài trợ đến 90% lận đó.”
Dự định thi vào Đại học Mỹ thuật và rất mê những tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng, Duy Thanh ( lớp 11 trường Phú Nhuận ) quyết tâm theo học tiếng Ý để có thể tự đọc những tài liệu về hội họa bằng tiếng Ý, phục vụ cho việc học sau này của mình.
Mẫu số chung của nhiều teen cắp cặp đi học ngoại ngữ hiếm này là yêu thích nền ẩm thực, văn hóa hoặc những bộ phim, bài hát nổi tiếng của nước đó nên muốn tự mình tìm hiểu. Cũng có nhiều teen chuyên ngoại ngữ sẵn có niềm đam mê với ngôn ngữ lạ nên học “bắc cầu” luôn. Học không bao giờ là thừa, nhất là sau một mùa hè, bạn có thể thu thập được một ít vốn kiến thức văn hóa và có thể “nói” bằng một thứ tiếng ít người biết, khiến bạn bè mắt tròn mắt dẹt thán phục. Điều đó thật thích, nhỉ!
Học “tiếng hiếm”, có đơn giản như mình nghĩ?
Học “tiếng hiếm”, bạn sẽ luôn “khát” giáo trình và tài liệu tham khảo. Do không phổ biến như tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung nên theo học ngoại ngữ hiếm, teen phải chăm chỉ lên mạng down tài liệu hoặc đặt người thân từ nước ngoài gửi về. Nếu chỉ có ý định học để “theo kịp thời đại” hay “cho bạn bè lác mắt chơi” thì teen khó lòng theo đuổi đến cùng lắm. Với những teen “can đảm” chọn học một ngoại ngữ ngòai hệ thống chữ La tinh thì nhọc nhằn sẽ còn tăng gấp bội. Thanh Hằng ( lớp 11 trường Nguyễn Hữu Huân) đã thú nhận muốn “nổ đom đóm” mắt khi nhìn thấy bảng chữ cái tiếng Thái khó nhằn mà mình phải học thuộc sau buổi đầu tiên.
Cơ hội cho những teen biết đi tắt đón đầu
Học “ tiếng hiếm” ở đâu? – Tiếng Ý, Tây Ban Nha: Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực quốc tế – 115 Sư Vạn Hạnh (nối dài) Q.10, Trung tâm Ngoại ngữ trường ĐH KHXH&NV – 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng Q.1-Tp.HCM. – Tiếng Đức: Viện Goethe 335/4 Điện Biên Phủ Quận 3, trường chuyên Đức ngữ 80B Lý Chính Thắng, Q.3 – Tp.HCM. – Tiếng Thái: Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Đại học KHXH & NV – 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1 –Tp.HCM. – Tiếng Khmer: Trung tâm Ngoại ngữ Báo chí Thông tấn xã Việt Nam – 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 – Tp.HCM. |
Sau hai mùa hè chăm chỉ luyện tiếng Thái, Hoàng Oanh (học viên tiếng Thái trường Huflit) đã nhận được một suất học bổng theo dạng Learn & Travel trong vòng một tháng tại Thái Lan. Đó là phần thưởng cho sự kiên trì vật lộn với những con chữ ngoằn ngoèo khó nhớ của Oanh.
Thầy Enrique dạy môn tiếng Tây Ban Nha, cộng tác viên của Đại sứ quán Tây Ban Nha cho biết: “Nếu có kĩ năng nghe nói tốt, teen có thể làm được một số công việc bán thời gian cần tiếng Tây Ban Nha như hướng dẫn du lịch, bán hàng… Các công ty sử dụng tiếng Tây Ban Nha tại Việt Nam ngày càng nhiều và trả lương luôn cao gấp 3 — 4 lần so với tiếng Anh.” Bắt đầu đam mê và học nghiêm túc tiếng hiếm nghĩa là teen đang khai thác đúng “mỏ vàng bất tận”.
Một ngôn ngữ hiếm khác mà những teen muốn theo ngành du lịch có thể học đón đầu là tiếng Khmer. Ngày càng có nhiều người Việt Nam sang du lịch ở đất nước chùa tháp, hàng Việt Nam xuất sang Campuchia ngày càng tăng, các hội chợ tổ chức ở Campuchia ồ ạt… thì việc biết tiếng Khmer sẽ là một lợi thế khi teen muốn xin việc tại các công ty du lịch sau khi tốt nghiệp đại học. Ngôn ngữ này khá khó học, cách đọc, cách viết đều phức tạp nên muốn thành thạo teen phải đầu tư một khoảng thời gian rất dài.