Osin đi học

“Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Những bạn gái trong bài viết này cũng tin như vậy và đã tự phác thảo “con đường” của mình sau những giờ lao động mệt nhoài – giúp việc nhà (GVN) cho chủ.

Nối lại ước mơ

Vừa tan học, bạn Nguyễn Thị Hợp (lớp 12 TT GDTX Q. Bình Thạnh) vội vã lấy xe, chạy đi đón con chủ nhà nơi bạn đang giúp việc. Chở “cậu chủ” về, Hợp xuống bếp, hâm lại thức ăn mà bạn đã chuẩn bị hồi sáng sớm rồi dọn lên cho cả nhà dùng cơm. Trong khi mọi người nghỉ trưa thì Hợp tranh thủ rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, đem quần áo đi giặt…”Năm nay lớp 12, luyện thi đại học vào buổi tối nên mình phải tranh thủ”, Hợp giải thích.

Thu Hương (trái) và Nguyễn Thị Hợp tại lớp học của mình

Bố mất, gia đình Hợp vốn đã nghèo lại càng thêm khó khăn. Không còn cách nào khác, Hợp đành phải nghỉ học ngay khi chuẩn bị vào lớp 10 rồi theo người chị họ vào Nam kiếm sống. Kể từ đó, Hợp gần như không còn dám nghĩ đến chuyện sẽ đi học lại dù vẫn mê học, nhất là khi cô bạn trở thành Oshin. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cô chủ nhà “gợi ý” bạn đi học trở lại vì “con học giỏi, nghỉ ngang thì uổng quá!” Thế là Hợp được trở lại trường , vợ chồng cô chủ ủng hộ Hợp hết mình, từ học phí đến giảm bớt một số việc nhà. Vốn là học sinh giỏi nên không khó để Hợp lấy lại căn bản rồi trở thành học sinh khá, giỏi liên tục trong suốt 3 năm qua. Trong kì thi giải toán nhanh trên máy tính Casio toàn thành vừa qua, Hợp xuất sắc đoạt giải ba và được chọn vào đội tuyển của TP, nhưng giờ chót không sắp xếp được thời gian, cũng như phải “dồn sức” cho mục tiêu lớn hơn là trúng tuyển ngành kĩ thuật may ở 1 trường ĐH sắp tới, Hợp không thể tham gia cuộc thi giải toán nhanh này.

Tranh thủ từng tí một!

Ở TTGDTX Q. Bình Thạnh, ngoài Hợp còn có nhiều bạn cũng vừa GVN vừa đi học, như Quách Thị Bảy, Phương Dung, Thu Hương…chẳng hạn. Nhận xét về những học trò “đặc biệt” này, cô Bích Thuỷ, trợ lí thanh niên cho biết: “Về nhà phải làm việc nên các em tận dụng tối đa thời gian trên lớp, hiểu và nắm chắc kiến thức, thậm chí còn hoàn thành luôn bài tập về nhà”. Với các bạn, thời gian quả thật vô cùng quí giá nên phải “tranh thủ từng tí một”. Không học được lớp ngày thì đi học lớp tối, đó là trường hợp của bạn Quách Thị Bảy, học chung với Hợp. Năm học này, Bảy phải chuyển xuống học buổi tối để ban ngày chăm em bé. Buổi tối, khi chủ đi làm về, Bảy mới giao em lại cho chủ rồi tất tả vào lớp.

Ngoài học văn hóa, hai bạn Nguyễn Thị Liễu (trái) và Hoàng Thị Thơm còn học thêm vi tính

Tại các lớp tối ở TT GDTX Q. Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Q.1, Q.10… đều có những học viên như Bảy. Tối đi học đến 9, 10 giờ mới về tới nhà, ban ngày phải lo dọn dẹp, nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc em bé…các bạn gần như không còn thời gian cho việc tự học. “Mình phải học lúc khuya hay ngay cả khi làm việc cũng…nhẩm lại bài”. Đó là “bí kíp” của bạn Hoàng Thị Thơm (lớp 11 TT GDTX Q. Phú Nhuận), đang GVN cho 1 gia đình ở Phú Nhuận. Còn bạn Nguyễn Thị Liễu, học lớp 12, GVN cho 1 gia đình ở Gò Vấp có cách học bài “độc chiêu” hơn: vừa ủi đồ vừa nhìn vào tập để học bài. Có lần do học mê quá làm bàn ủi cháy khét lẹt! Ngày thường là vậy, những ngày thi còn “mệt” hơn. Khi đó thì chuyện bị chủ trách mắng do bê trễ việc nhà cũng hay xảy ra.

Dù con đường đi tìm cái chữ nhọc nhằn như vậy, nhưng theo khảo sát của Mực Tím, các bạn Oshin đang theo học tại các TT GD TX quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Q.3, Q.1, Q. Gò Vấp…đa số có học lực khá, giỏi. Cá biệt, có bạn như Mỹ Thanh (lớp 10 TT GDTX Q. Gò Vấp) còn được nhận học bổng nhân kỉ niệm 20 năm báo Mực Tím nữa đấy!

Cô đã từng GVN cho một gia đình người Pháp. Dù làm theo giờ nhưng công việc khá nặng, từ chăm sóc em bé, lau dọn nhà cửa, rửa chén bát, giặt giũ…Ban đầu cũng ngại, không dám cho ai biết, sợ bị nói này nói nọ. Nhưng dần dà cũng thấy bình thường. Nghề nào cũng là nghề, miễn pháp luật cho phép là ổn rồi. Hơn nữa, đó chỉ là công việc tạm thời, giúp mình có điều kiện học tập tốt hơn mà thôi …

ThS. Lê Thị Hằng Giang (GV ĐH Bách Khoa TP.HCM)

Muốn điều gì đó tốt hơn!

“Ai cũng muốn cái gì đó tốt hơn, chứ không lẽ như dzầy hoài”, bạn Nguyễn Thị Liễu giải thích lí do đi học lại của mình. Sau 2 năm GVN cho một gia đình ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Liễu đã tìm cách lên Sài Gòn và rồi tự mình tìm trường để học. Vừa kiếm tiền gửi cho mẹ vừa tự trang trải học phí, Liễu đang nuôi ước mơ trở thành …
một nhân viên kế toán. Còn bạn Hoàng Thị Thơm thì mơ ước trở thành một nhân viên trong ngành ngân hàng. “Có thể mình không thực hiện được ước mơ đó, nhưng khi học xong, có bằng tốt nghiệp, mình xin vào công ty làm, lương chắc cũng đỡ hơn bây giờ.”, Thơm tâm sự.

Mong muốn “điều gì đó tốt hơn” đã giúp những bạn gái giàu ý chí và nghị lực này vượt qua khó khăn, vượt qua cả những lời dẻ bỉu, khinh khi của một số người. Điều đó rất đáng để tụi mình khâm phục. Họ đã tự mở một cánh cửa khác cho đời mình bằng chọn lựa mà không ít bạn có điều kiện lại “từ chối”: học cho đến nơi đến chốn.