“Ét – vê” thời khủng hoảng
Ngồi trong phòng trọ, vừa nói chuyện, tay Thủy (SV năm 2, khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) thoăn thoắt gấp từng tờ giấy ăn cho một nhà hàng nào đấy mà cô vừa nhận để “kiếm đủ tiền rau” sau khi cửa hàng nơi cô làm thêm với mức lương 1,2 triệu hàng tháng vừa đóng cửa.
Gặp Nga (SV năm 2 – ĐH Ngoại thương) ở phố Chùa Bộc, thấy cô vừa cầm trên tay chiếc quần Jean hiệu D&G, vừa hớn hở: “Chiếc quần này trước kia em mua phải đến gần 500.000 đồng chứ chả chơi, vậy mà bây giờ giá chỉ còn một nửa, hàng rẻ thế phải tranh thủ mua ngay”.
Đối với những SV con nhà khá giả, cửa hàng giảm giá là cơ hội “tậu” được thêm hàng “xịn”. Còn với SV nghèo luôn phải đối phó với nỗi lo cơm áo gạo tiền, cửa hàng giảm giá cũng đồng nghĩa với mất việc làm thêm.
Tranh thủ tậu hàng “xịn” giảm giá
Trong khi đa số người tiêu dùng phải đắn đo, lựa chọn trong chi tiêu thì những SV “thiếu gia” lại tha hồ đi “săn” hàng hiệu giảm giá mà không phải suy tính.
Một cửa hàng trên phố Chùa Bộc
Thấy tôi băn khoăn, Nga liền giải thích : “Tiền ông bà già tháng nào cũng cho em 5 chai (5 triệu đồng), trước kia hàng đắt đỏ thì mua ít, còn bây giờ hàng rẻ thì mua được nhiều thôi, chứ có cho thêm thắt gì đâu?”.
Không riêng gì Nga mà rất nhiều bạn trẻ ở đây cũng đang hý hoáy chọn lựa cho mình một trang phục hàng hiệu ưng ý.
Dạo qua các shop ở Chùa Bộc, Cầu Giấy, hàng loạt các biển hiệu “Đại giảm giá”, “Đại đại giảm giá”, “Khuyến mãi” được trương diện ngay tại mặt tiền của các cửa hàng.
Chị Thúy, nhân viên bán hàng ở shop quần áo 147 Chùa Bộc cho biết: “Mấy hôm nay cửa hàng buôn bán ế quá nên bọn chị đành phải giảm giá nhiều mặt hàng hiệu đắt tiền để thu hút người mua. Nhưng chủ yếu khách hàng vẫn là những SV khá giả vì đây là cơ hội để họ săn hàng hiệu mà giá lại rẻ”.
Ế hàng: Mất việc
Thuỷ, SV năm 2 Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), quê ở Hà Tĩnh, nhà vốn đông con, bố mẹ lại làm nông nghiệp.
Để có tiền ăn học, cô đã phải đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất. Trước kia với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng cũng tạm đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày và tiết kiệm một khoản nho nhỏ để đóng học phí.
Nhưng nay cửa hàng nơi Thủy làm việc vừa phải đóng cửa vì hàng hóa ế ẩm, không có người mua. Tìm mãi mới được nơi làm thêm “tạm đủ tiền rau”.
Chị Hiền, chủ shop ở phố Thuỵ Khuê cho biết: “Không biết đến bao giờ tôi mới bán hết chỗ quần áo này để còn trả nhà thuê cho người ta”
Hơn một tháng nay, Huế (SV năm 3, Trường ĐH Y tế cộng đồng), dân tộc Tày, quê ở Yên Bái, đã nghỉ làm thêm ở một cửa hàng ăn trên đường Láng.
Không có việc, cô phải mượn tạm tiền của mấy đứa bạn thân để trả tiền nhà, tiền ăn, còn bản thân mình thì phải chạy đôn chạy đáo suốt ngày để tìm việc mới.
“Tìm việc làm bây giờ khó lắm, em đến nhiều nơi rồi nhưng người ta toàn lắc đầu, có mấy cửa hàng ăn đồng ý nhận nhưng lại yêu cầu phải làm cả ngày, mà SV còn phải đi học thì làm sao mà làm cả ngày được?”.
Gia đình Huế 9 người chỉ dựa vào nương ngô, nương sắn để sống qua ngày, bố mẹ Huế lại đều đã già, ốm đau bệnh tật luôn.
Nghĩ về những ngày tiếp theo, cô thở dài: “Mấy hôm nữa mà không tìm được việc làm thì chắc em phải xin nhà trường cho bảo lưu kết quả mất”.
Nếu trước Tết, có rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu treo biển “Tuyển nhân viên” thì nay hầu hết các tấm biển ấy đều đã bị dỡ xuống. Thay vào đó là các loại biển “giảm giá”, “khuyến mại”, thậm chí là “Thanh lý cửa hàng”.
Tôi vào một shop quần áo quen thuộc ở Cầu Giấy (Hà Nội). Trước Tết, đây là nơi thường xuyên phải để biển “tuyển nhân viên” thì nay tấm biển ấy đã nằm chỏng chơ ngay ở góc nhà, không khí mua sắm ảm đạm. Một ngày, cửa hàng bán chưa đến 10 sản phẩm. Trước đây, cửa hàng có 7 nhân viên, đều là SV các trường ĐH, thì nay chỉ còn 4 người, 2 người làm sáng và 2 người làm chiều.
Còn cửa hàng quần áo “The world” ở 249 Thụy Khuê của chị Hiền thì đã sa thải hết nhân viên và đang phải thanh lý toàn bộ hàng hóa. Đã gần 2 tháng nay, shop của chị gần như không bán được hàng, mỗi ngày chỉ có lèo tèo vài khách mua, có ngày còn không có ai.
Với những người đi làm chỉ để “rủng rỉnh chi tiêu” thì mất việc vẫn còn “hậu phương” là gia đình viện trợ, còn đối với những người đi làm để tự nuôi thân ăn học thì mất việc cũng đồng nghĩa với mất đi “cần câu cơm” .
“Tiết kiệm là hơn hết” Bước vào xóm trọ của Mai (ĐH Lao động Xã hội) ở 84 Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội), điều khiến tôi chú ý nhất là tấm bảng “Tiết kiệm là quốc sách”. Đó là phương châm mà cả “xóm” đang thực hiện. Mai cho biết: “Những năm trước xóm em thường tổ chức ăn uống liên hoan đầu năm, nhưng năm nay… triệt để tiết kiệm”. Thấy tôi nhìn những thùng mỳ tôm xếp ngổn ngang trong các phòng trọ, Tuấn (quê Quảng Bình) vừa cười vừa nói: “Ăn mỳ tôm là thực hiện phương châm của cả xóm đấy”. Rất nhiều bạn nghĩ đến nguồn thực phẩm rẻ và sạch ở chính quê của mình. Thái Hòa (quê Hà Tây) chia sẻ: “hàng hóa ở đây vừa đắt lại vừa không an toàn, nhà em cách Hà Nội gần 20 km nên tuần nào cũng đạp xe về quê để đem đồ ăn lên”. Không có tủ lạnh hay các dụng cụ bảo quản thực phẩm nào nhưng đồ ăn của Hòa vẫn đủ tươi ngon để “xài” trong một tuần bởi cách bố trí sử dụng khá hợp lý của cô: “Đầu tuần thì ăn các loại rau xanh, còn cuối tuần thì ăn khoai tây, khoai sọ, củ su hào, củ cải khô nên không sợ rau bị hỏng…còn thức ăn thì chủ yếu là trứng và cá khô thôi” – Hòa giải thích. Mang đồ ăn từ quê ra đã trở thành phương pháp tiết kiệm của phòng Hòa, thậm chí có bạn ở xa, không thường xuyên về nhà được nhưng tuần nào cũng nhờ người thân và bạn bè mang hộ ở quê ra. |