Nên uống nước ngay cả khi không khát!

Teen đừng quên, cơ thể ta có tới gần 2/3 là nước. Nước rất cần cho sức khỏe, nhất là khi teen vào mùa thi

Nước chiếm 50-60% cơ thể ở người trưởng thành, chỉ thất thoát hơn 10% nước, cơ thể đã có thể gặp nguy hiểm.

Nước giúp thải độc tố

“Con người có thể nhịn ăn trung bình trong 5 tuần, nhưng không thể ngưng “nạp” nước quá 5 ngày” – tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng) nói. Bà Lâm nhấn mạnh vai trò của nước trong cơ thể: nước chiếm 74% trọng lượng trẻ sơ sinh, 55-60% cơ thể nam trưởng thành, và 50% cơ thể nữ trưởng thành. Khoảng 80% thành phần mô não được cấu tạo bởi nước.

Nếu cơ thể thiếu nước thường xuyên sẽ làm giảm khả năng tập trung. Để cơ thể tiêu hóa, hấp thụ tốt thực phẩm “nạp” vào, cần có nước. Nước tham gia vận chuyển đưa các chất dinh dưỡng đến các bộ phận của cơ thể.

Cơ thể cần có nước để rửa trôi độc tố. Ngược lại, khi “khô hạn” do thiếu nước, các độc tố sẽ tích lại trong cơ thể, không được trung hòa phân giải hoàn toàn. Nước chính là dung môi pha loãng những độc tố, sau đó sẽ “trục xuất” chúng ra ngoài. Do vậy, uống đủ nước sẽ giúp cho hệ bài tiết hoạt động thường xuyên, đào thải những độc tố – nguy cơ hình thành sỏi thận, tiết niệu, giúp ngăn ngừa táo bón.

Đặc biệt, với bà mẹ mang thai, uống nước giúp giảm nguy cơ thiểu ối. Tỷ lệ mổ sinh vì thai suy, chèn ép rốn ở nhóm uống đủ nước chiếm 12%. Trong khi đó, nhóm chỉ uống nước theo thói quen, tỷ lệ này là hơn 20%. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm khuyên, nên uống nước ngay cả khi không có cảm giác khát. Nếu khi khát mới uống, thì cơ thể chỉ bù đắp được khoảng 1/3-1/4 lượng nước đã mất đi.

Tùy tuổi, môi trường mà uống lượng nước phù hợp

Lượng nước dùng phù hợp với từng lứa tuổi: Vị thành niên nhu cầu khuyến nghị là 40 ml/kg; 19 – 30 tuổi hoạt động thể lực nặng 40 ml/kg; 19 – 55 tuổi, hoạt động thể lực trung bình 35 ml/kg; từ trên 55 tuổi là 30 ml/kg. Với trẻ em, thông thường, từ 1-10 kg: nhu cầu 100 ml/kg; từ 11 – 20 kg: 1.000 +50 ml/kg cho mỗi 10 kg cân nặng tăng thêm; từ 21 kg trở lên: 1.500 + 20 ml/kg cho mỗi 20 kg cân nặng tăng thêm. Khuyến nghị này không áp dụng cho trường hợp mất nước bất thường (tiêu chảy, sốt).

Nhu cầu nước còn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, công việc. Trong trường hợp lao động nặng hoặc một số bệnh lý (suy thận, viêm cầu thận, suy tim…), việc bù nước cần được hướng dẫn của bác sĩ.

Với trẻ em, ngoài lượng nước do bữa ăn đem lại qua thức ăn, cần cho trẻ uống nước đều đặn, trong đó 60% là nước đun sôi để nguội. Với người già, cần lưu ý, vị giác kém nên ít có cảm giác thèm uống nước, trung tâm điều khiển khát nước đã giảm nhạy cảm với sự mất cân bằng nước trong cơ thể. Tình trạng này khiến cho ngay cả khi cơ thể bị thiếu nước nhưng người già có thể không thấy khát nước.