Vác dao đòi tình yêu
29 xuân mà Thu vẫn chưa có một mối tình nào. Xinh gái nhưng bởi cái chân dị tật của cô mà trai làng không ai nhòm ngó tới. Thu sớm chiều chăn bò trên rú Diềm cùng anh Bạo bị câm.
Một hôm nhìn con gái khác thường, bà Ngọc dỗ dành mãi, Thu cũng thổ lộ “Con nghĩ chỉ còn cách kiếm đứa con để nuôi. Con đã có thai tháng đầu với anh Bạo”.
Bà Ngọc thở dài “Thiếu gì đàn ông mà con chọn thằng câm”. Thu cãi “Đàn ông bây giờ rắc rối lắm. Lỡ khi rượu vào họ lại đi bêu xấu mình. Rồi thì vợ con của họ khi biết được thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Con chọn anh Bạo vì suốt đời anh ta không nói được với ai, chỉ mang tiếng không chồng mà có con thôi”.
Bà Ngọc khen con khôn ngoan rồi ghé tai nói nhỏ “Về chuyện con lo mang tiếng không có chồng, mẹ có kế sách thế này… Còn sau khi cưới xong dân làng không thấy chàng rể nữa thì mình thiếu gì cách để nói. Ví như thằng đó đổ đốn buôn ma tuý đã bị công an bắt tù rồi. Đó, con nghe có được không. Mọi thứ cứ để mẹ lo liệu hết, con chỉ biết thực hiện cho đúng như thật”. Thu nghe xong reo lên.
Sáng hôm sau mẹ con Thu khăn gói đón xe khách ở cây đa làng, đánh tiếng là đi Sài Gòn nhưng thực ra chỉ xuống nhà ông bác ở thành phố. Chừng hơn tháng sau mẹ con Thu về làng cùng một chàng trai rất khỏe mạnh, khôi ngô.
Dân làng chưa kịp hỏi xa hỏi gần, bà Ngọc đã thông báo “Ngỡ đưa con Thu vào xí nghiệp may mặc xuất khẩu trong Sài Gòn làm việc, ai ngờ mới làm được hơn tháng chúng nó yêu nhau (chỉ vào chàng trai lạ cùng đi)”. Thấy bụng Thu lùm lùm, mấy trai làng không giữ miệng “A, ăn cơm trước kẻng nay rủ nhau về cưới”. Nghe mọi người nói, bà Ngọc mừng ra mặt: “Các chú thanh niên cái gì cũng biết”.
Đám cưới của Thu được tổ chức đơn giản thôi (nghe nói chàng trai không còn bố mẹ nữa, chỉ có một người anh đang xuất khẩu lao động ở Đài Loan). Người mời dự cưới thì ít mà người đến lại đông, phần lớn tò mò. Đang buổi cưới vui vẻ bỗng nhiên anh Bạo câm vác dao chạy đến chỉ mặt cô dâu chú rể lu lên một tràng âm thanh man dại. Cô dâu chú rể mặt tái xanh, mạnh ai nấy chạy, hôn trường náo loạn.
Không hiểu được chuyện gì, nhưng một số người khỏe mạnh lao tới ôm lấy anh Bạo tước dao. Trong lúc vùng vẫy dao anh Bạo khua trúng đầu bà Ngọc, phải đưa đi trạm xá. Một lúc sau thì công an xóm, xã đến xử lý. Anh Bạo bị mọi người vây lại “giơ tay hỏi” lý do vác dao vào đám cưới chém người.
Anh Bạo chỉ tay vào Thu, chỉ vào mình, hai tay nắm lại để lên trên đầu như hai sừng bò, rồi lại chỉ lên rú Diềm, rồi úp hai tay vào má nhắm mắt. Đang lúc mọi người cố suy đoán lời khai thì mẹ anh Bạo chen vào phiên dịch: “Ý con tôi là hàng ngày đi chăn bò trên rú Diềm, Thu và anh Bạo đã ăn nằm với nhau, sao Thu bây giờ lại cưới người khác”. Thì ra anh Bạo vác dao đến đòi tình yêu. Đám cưới vỡ oà ra cười, cười chảy cả nước mắt. Mọi người dỗ dành mãi anh Bạo mới về nhà.
Buổi trưa làng quê yên ắng trở lại. Vết thương nhẹ, bà Ngọc băng xong thì Thu đến trạm xá xã đưa mẹ về nhà. Vừa ngồi yên chỗ thì chàng rể thuê trốn trong chuồng gà mở cửa sau lẻn vào mắt lấm lét đầy sợ sệt “Bác và chị cho em xin tiền để đi nhanh kẻo nguy hiểm lắm. Bây giờ thế này, cháu làm nghề xe ôm mỗi ngày kiếm được 200 ngàn, tiền xe từ đây về thành phố hết một trăm. Đã ba ngày, cộng với tiền danh dự làm chú rể, cháu lấy một triệu rưỡi”.
Bà Ngọc mặt nhăn nhó, lòng dạ Thu cũng rối tung, cô nói với chàng rể thuê “Anh thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Ngỡ sau đám cưới sẽ có tiền mừng trả cho anh. Ai ngờ tất cả tan vỡ, bây giờ tôi chỉ còn ba trăm nữa thôi”. Anh ta vồ lấy tiền rồi mở cửa sau biến mất.
Mọi chuyện tưởng tạm yên ổn, ai ngờ hai mẹ con bà Đào và anh Bạo câm lại đến “Bà Ngọc và Thu ạ, thằng Bạo nhà tôi tuy bị câm nhưng siêng năng, khỏe mạnh không thua ai, hay là cho tôi được làm thông gia? Nếu không thằng Bạo nó quyết đòi bằng được đứa con của nó sau khi sinh đấy”. Bà Ngọc và Thu cùng lúc “há” lên đầy kinh ngạc.