Nam, nữ biết gì về “bệnh xoắn”?

Nam hay nữ đều có thể gặp “bệnh xoắn”: xoắn thừng tinh (ở nam) và xoắn u nang buồng trứng (ở nữ). Mỗi loại xoắn đều có nguy hiểm.

Một ca phẫu thuật xử lý u nang buồng trứng – Ảnh: K.Vy

Xoắn của nam

Xoắn thường gặp ở nam là xoắn thừng tinh, hay còn gọi là xoắn cuống tinh hoàn, mà người ta thường gọi nôm na là xoắn tinh hoàn. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như – Trưởng đơn vị Nam khoa Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), thì: “Xoắn cuống tinh hoàn thường xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi dậy thì. Trên 20 tuổi thường ít gặp, lớn tuổi cũng có thể bị, nhưng hiếm khi”.

Bác sĩ Nguyễn Thành Như cho biết thêm, đặc điểm của xoắn cuống tinh hoàn là cơn đau dữ dội một bên tinh hoàn, có thể kèm theo nôn ói, nhưng không sốt. Tinh hoàn xoắn xoay ngang hẳn một bên…

Bình thường, tinh hoàn được cố định bên trong bìu, nhưng ở những trường hợp bị xoắn, thì tinh hoàn không cố định chắc chắn, mà lỏng lẻo, cuống tinh hoàn của người đó dài lủng lẳng dễ dẫn đến xoắn. Cũng có những trường hợp tinh hoàn bị xoắn từ lúc còn trong bào thai, khiến một bên tinh hoàn đó bị teo và tiêu biến mất luôn (do xoắn máu không đến nuôi được), vì thế có trẻ mới sinh ra chỉ có một bên tinh hoàn là như thế.

Xoắn u nang buồng trứng

Theo bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM): xoắn thường gặp nhất ở phụ nữ là xoắn buồng trứng. Bình thường buồng trứng ít khi bị xoắn, mà xoắn thường xảy ra ở buồng trứng bị u nang. Cũng có khi xảy ra xoắn vòi trứng do bị ứ dịch làm vòi trứng phồng to, nặng dẫn đến xoắn. Nhưng xoắn buồng trứng u nang là thường gặp nhất. Xoắn xảy ra không nhất thiết là u nang buồng trứng lành hay ác. Thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, và xoắn xảy ra là do buồng trứng có khối u nặng, và bụng còn một khoảng không gian để xoắn. Đây là một tai biến trong u nang buồng trứng, và là một tình huống hết sức khẩn cấp.

Triệu chứng của xoắn u nang buồng trứng điển hình nhất là đau bụng. Đau có đặc tính là đau từng cơn ở vùng bụng dưới; thời gian giữa những cơn đau càng về sau càng ngắn lại, ban đầu là 10 phút, rồi 5 phút… và đau càng dữ dội. Lúc đầu đau có thể bỏ qua, hay uống thuốc giảm đau thì hết, nhưng sau đó đau tiếp tục tái diễn, kèm với đau là nôn ói. Có thể lúc đầu người bệnh còn chịu đựng được, nhưng mươi phút sau sẽ không chịu thấu buộc phải nhập viện cấp cứu.

Xử lý xoắn thế nào?

Có đặc điểm giống nhau ở hai bệnh lý xoắn giữa nam và nữ đó là cả hai đều là tình huống khẩn, cần phải xử lý cấp cứu ngay khi đã bị xoắn. Nếu như ở nữ có thể mươi, mười lăm phút sau là phải mổ cấp cứu, nếu không sẽ dẫn đến vỡ buồng trứng, thì xoắn cuống tinh hoàn ở nam, sau 4-6 giờ tinh hoàn sẽ bị hoại tử nếu không được xử trí!

Ở xoắn cuống tinh hoàn, theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, trước khi phẫu thuật bác sĩ xử trí tháo xoắn trước bằng cách một tay giữ cố định ở phần cuống tinh hoàn, tay kia xoay tinh hoàn một vòng 360 độ. Nếu tinh hoàn bên trái thì xoay theo chiều kim đồng hồ để tháo xoắn, ngược lại tinh hoàn bên phải thì tháo xoắn phải xoay ngược lại. Sau khi tháo xoắn xong phải mổ liền để “cứu” tinh hoàn. Nếu bệnh nhân đến trễ (thường là sau 4 giờ), tinh hoàn sẽ bị hư. Khi mổ ra, nếu thấy tinh hoàn tím đen, chờ 15-20 phút mà nó không hồng trở lại, thì phải cắt bỏ.

Còn với xoắn u nang buồng trứng, theo bác sĩ Dung Hạnh, một khi đã xoắn rồi thì hiếm khi trở về bình thường. Xoắn ngăn cản đường lưu thông của máu, khiến buồng trứng ngày càng sưng to, nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời thì dịch sẽ tích tụ nhiều quá làm nứt buồng trứng, vỡ buồng trứng, gây nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc, mất máu cấp…