Kinh hoàng băng vệ sinh “siêu” rẻ

Trong vai người tìm việc, phóng viên được tuyển làm công nhân đóng gói tại một cơ sở sản xuất băng vệ sinh “siêu” rẻ. Mang hàng này đi kiểm nghiệm thì cho ra kết quả kinh hoàng: nhiễm nấm, men, mốc và các vi khuẩn gây bệnh…

Nếu như 10 năm trước, “kinh đô” sản xuất mặt hàng băng vệ sinh (BVS) “siêu” rẻ của cả miền Bắc nằm tại làng Đông Cao, Phong Khê, Bắc Ninh thì giờ đây “công nghệ” này dạt về hai địa điểm thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội và xã Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh.

“Liên doanh” sản xuất băng vệ sinh… 1.000 đồng

Khoảng 5 năm trở lại đây, làng Doãn Thượng, Xuân Lâm mọc lên gần chục xưởng sản xuất mặt hàng BVS. Trong vai người tìm việc, tôi được tuyển vào làm công nhân đóng gói bao bì cho cơ sở sản xuất BVS mang tên Công ty V.U với tiền công thử việc…5.000 đồng một ngày. Có tới 20 nhân công làm việc, với công suất trung bình mỗi ngày từ 14.000 – 15.000 gói mỗi ngày. Bà chủ trẻ tên H. cho biết: “Hàng của chị bán ở khắp nơi. Nhà chị không bao giờ thiếu việc, chỉ lo không có người làm để giao kịp hàng cho khách”.

Kinh hoàng băng vệ sinh “siêu” rẻ.

Dây chuyền được coi là công nghệ “liên doanh” với nước ngoài được gói gọn trong nhà xưởng rộng gần 100 m2. Tiếng ồn và bụi mù mịt khiến tôi phải che kín mặt chỉ để hở hai mắt. Bột giấy vón cục chất trong nhà kho, được công nhân xúc vào máy nghiền lại cho tơi rồi đưa vào băng chuyền để dập thành miếng. Không hề có bất cứ một công đoạn khử trùng nào, những đống BVS trần được đổ ngay xuống sàn nhà xưởng đầy bụi bẩn đợi tay người gấp lại rồi đóng gói. Có lúc máy bị hỏng, hai nam thanh niên loay hoay sửa mất hồi lâu và cuối cùng cho ra mẻ BVS dính nhằng nhịt keo trên bề mặt, kèm theo mùi…dầu máy! Nguyên liệu làm BVS tại đây được nhập với giá rẻ từ Trung Quốc. Quan sát bề mặt những miếng BVS này, dễ dàng nhận thấy những chấm màu đen hoặc xanh thẫm…

Từ các cơ sở sản xuất này, các gói BVS có tên na ná Kotex, Diana như: Dyana, Koten, Koter, Koteir (Diana, Kotex)…được tung ra thị trường. Cũng “s-tyle”, “sành điệu”, “siêu thấm”, “siêu mỏng”…, bề ngoài những gói BVS này rất dễ đánh lừa những người tiêu dùng, đặc biệt ở nông thôn, miền núi. Anh N.T, một đại lý phân phối gốc của mặt hàng này cho biết, có hai loại BVS “trần” (không nhãn hiệu, không địa chỉ sản xuất) và đóng gói. Loại đóng gói có giá 1.200 – 1.500 đồng một gói 5 miếng, trong khi loại “trần” chỉ 1.000 đồng gói 6 miếng. Thậm chí, các chủ cơ sở sản xuất còn mua lại hàng “trần” của nhau về đóng gói để kịp thời cung ứng cho thị trường mỗi khi khan hàng.

Nhiễm nấm, men, mốc và vi khuẩn gây bệnh

Chúng tôi đem mẫu BVS “dỏm” nhãn hiệu Koten được làm ở Xuân Lâm đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Kết quả cho thấy, mức độ nhiễm nấm, men, mốc và nhiều vi khuẩn gây bệnh khác của mẫu BVS trên là 25 khuẩn lạc một gram, trong khi theo tiêu chuẩn chất lượng BVS của chính hãng Kotex thì chỉ tiêu này là 0.

Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn chất lượng dành cho mặt hàng BVS. Ông Nguyễn Xuân Cảnh, Chi Cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo luật, mặt hàng BVS không thuộc danh mục hàng hoá bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn. Chính vì thế việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này.

Ông Lương Ngọc Thủy, Chánh Thanh tra Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chưa nói đến chất lượng, những vi phạm về mẫu mã, nhãn hiệu của mặt hàng giấy vệ sinh nói chung và BVS nói riêng tại các làng nghề đang xảy ra…rất hồn nhiên!”. Theo ông Thủy, Thanh tra Sở rất khó xử lý, bởi ngay cả khi phát hiện dấu hiệu vi phạm cũng chỉ được kiến nghị chứ không được xử lý. Rất nhiều lần tiến hành thanh tra, dù được chính quyền địa phương bảo vệ, song thanh tra viên vẫn gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phía các hộ sản xuất vi phạm. Hơn nữa, do các cơ sở sản xuất này làm ăn manh mún, nhỏ lẻ nên cơ quan chức năng cũng rất “ngại” kiểm tra. Ông Thủy nói: “Phải thành lập đoàn kiểm tra đầy đủ các bên liên quan tốn tiền nhưng hiệu quả không cao nên rất…ngại làm”.

Nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa rất cao

Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khi sử dụng BVS kém chất lượng, nhiễm nấm mốc là rất cao. Ngoài những chỉ tiêu không an toàn về vi sinh, hóa, loại BVS này còn có bề mặt thô cứng có thể gây cọ xước rất dễ dẫn tới nhiễm khuẩn. Điều đáng lo ngại là viêm nhiễm phụ khoa là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở chị em. Bác sĩ Việt khuyên chị em: “Không nên ham rẻ mà sử dụng sản phẩm BVS kém chất lượng dẫn tới hậu quả khôn lường”.