Chán đời cũng gọi… 113
Thử máy điện thoại bằng cách bấm số 113, buồn chán chuyện gia đình cũng gọi. Trêu trọc, chửi rủa nhau trên điện thoại rồi tức giận chuyển cuộc gọi đến 113 để “nhờ” Công an tìm ra kẻ thù.
Sau khi tiếp nhận tin nhờ cứu hộ, CS 113 đã có mặt ở quốc lộ 70, giúp dân “vượt lũ” trong trận mưa kinh hoàng năm 2008
Từ khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây đến nay, trung bình một ngày, Trung tâm CS 113 Hà Nội nhận khoảng 2.200 cuộc gọi. Số cuộc gọi tăng song tỷ lệ thông tin liên quan đến ANTT chỉ khoảng 7-10%.
Trêu trọc, chửi rủa nhau trên điện thoại rồi tức giận chuyển cuộc gọi đến Trung tâm CS 113 để “nhờ” Công an tìm ra kẻ thù giấu mặt. “Vớ” được người nghe là cảnh sát trực ban, kẻ giấu mặt lại chuyển bài chửi sang công an. Chỉ trong ngày 18/5, Trung tâm CS 113, Công an TP Hà Nội nhận và “được” nghe chửi từ 7 cuộc gọi chuyển tiếp cùng một số máy. Mức độ nghiêm trọng đến mức, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội phải vào cuộc và lôi kẻ giấu mặt ra ánh sáng.
“Ghẹo gái” rồi chửi CS113
7 cuộc gọi chuyển tiếp từ một số di động đến Trung tâm CS 113 ngày 18/5 cho thấy có những công dân ý thức rất kém. Khi họ bị ai đó làm phiền, bản thân không thể giải quyết dứt điểm đã “chuyển” đến cơ quan tiếp nhận thông tin của lực lượng Cảnh sát, nơi có nhiệm vụ tiếp nhận tin và xử lý tin liên quan đến an ninh trật tự.
Để tìm ra kẻ quấy rối, các trinh sát của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội đã tìm ra chủ nhân số máy gọi đến hiển thị trong bộ nhớ ở tổng đài 113. Người này có tên Nguyễn Đình Sang, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhưng khi truy ra, các trinh sát phát hiện, cả 7 cuộc gọi đều thực hiện ở dạng chuyển tiếp từ số máy gốc do anh Trần Văn Minh, ở quận Ba Đình, Hà Nội là chủ thuê bao.
Ngay sau khi được triệu tập, cả hai người này cho biết, họ vốn là bạn hàng cùng trao đổi, buôn bán thịt bò. Anh Sang dùng sim điện thoại dạng trả trước gọi điện trêu trọc vợ anh Minh. Bực mình, anh Minh đã dùng điện thoại di động gọi lại số đã gọi đến máy vợ mình nhưng lại bị “ăn chửi”. Anh Minh tìm cách chuyển tiếp cuộc gọi của Sang đến Trung tâm CS 113. Mục đích của anh Minh là muốn cơ quan Công an tìm ra kẻ quấy rối vợ mình. Anh không lường hết được, sau khi “đẩy” cuộc gọi chuyển đến Trung tâm CS 113, Sang lại chửi bới những người đang làm nhiệm vụ.
Ứng dụng công nghệ không có gì là sai trái, nhưng ứng dụng kiểu anh Trần Văn Minh rất đáng bị phê phán. Chúng tôi được biết, trong trường hợp này anh Minh nên phản ánh với nhà cung cấp dịch vụ, hoặc phản ánh lên Thanh tra Bưu chính viễn thông. Các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm xử lý. Tiếc rằng, sự việc đã đi quá đà, cả hai người đều bị cơ quan Công an xử lý vi phạm hành chính.
Ngành viễn thông cần vào cuộc
Từ khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây đến nay, trung bình một ngày, Trung tâm CS 113 nhận khoảng 2.200 cuộc gọi. Số cuộc gọi tăng song tỷ lệ thông tin liên quan đến an ninh trật tự chỉ khoảng 7-10% cho thấy mức độ tin gây nhiễu đến số điện thoại nóng này rất lớn. Thử máy điện thoại bằng cách bấm số 113, buồn chán chuyện gia đình cũng gọi và tỷ lệ gọi đến nhưng chẳng nói gì thì lắm vô kể. Số điện thoại 01258768093 trong 3 ngày gọi 134 cuộc. Số máy 0121307547 gọi 61 cuộc…
Nhiều số máy gọi đến, anh em nhìn qua là biết ngay là gọi để chửi nhưng không thể không nhấc máy. Lại phải khuyên giải, răn đe. Tiếc rằng, tác dụng của việc này không lớn mà phải đợi sim hết tiền hoặc người gọi thôi bị “chập mạch” mới thoát.
Tôi hỏi đồng chí Bang về chế tài xử phạt, anh cho biết, nếu người gây rối gọi từ máy bàn, Trung tâm sẽ xác định địa chỉ và báo xuống Công an xã, phường để đến nhắc và xử phạt. Nhưng phần lớn các cuộc gọi lại là máy di động, loại sim khuyến mại nên xác định rất khó. Không phải trường hợp nào cũng xử lý triệt để như nêu ở trên, cơ quan Công an chỉ xử lý điểm để răn đe. Hiện nay, việc xử lý các đối tượng này dựa trên quy định trong Nghị định 150/CP, trong đó mức xử phạt chỉ 200.000 đồng/lần vi phạm.
Phòng CSTT từng có công văn gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ và Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông đề nghị giúp xử lý. Các nhà cung cấp dịch vụ không có hồi âm, còn Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông có liên hệ lại nhưng việc xử lý vẫn chưa được thực hiện do một vài yếu tố kỹ thuật. Trước hiện trạng quấy rối nêu trên, thiết nghĩ ngành Bưu chính Viễn thông nên tích cực can thiệp chứ không thể đứng ngoài khi những người sử dụng dịch vụ của mình để quấy nhiễu cơ quan công quyền.