“Gái đấy, ôm đi ôm đi!”

Nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, tôi đưa con gái đến xem biểu diễn nghệ thuật “Cười tặng bé” tại rạp Khăn Quàng Đỏ, Cung Thiếu nhi Hà Nội. Điểm nhấn trong đêm “cười” là vở kịch Tôn Ngộ Không đại chiến Hồng Hài Nhi do đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn, biên soạn (theo như giới thiệu qua micro).

Trước tiên, nói về ý tưởng của vở kịch. Không hiểu sao VN chúng ta cũng có rất nhiều câu chuyện dân gian, cổ tích có ý nghĩa như Tấm Cám, Sọ Dừa, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt… nhưng chẳng mấy khi được các tác giả dàn dựng, đưa lên sân khấu. Báo chí cũng từng lên tiếng về chuyện “Đãi trẻ em VN bằng truyện của Trung Quốc?” nhưng nhiều năm rồi, trong ngày tết thiếu nhi, trẻ em VN lại chỉ được xem tái hiện những tác phẩm tận… bên Trung Quốc, mà điển hình là truyện Tây du ký.

Trong vở kịch này, có đoạn Hồng Hài Nhi và lũ yêu quái bàn kế bắt Trư Bát Giới, đại ý rằng lão Trư rất tham ăn và thích… gái đẹp. Để thể hiện cho kế sách này, trước sự chứng kiến của hàng trăm em nhỏ (nhỏ nhất chỉ 4 tuổi) trên sân khấu xuất hiện một yêu nữ mặc áo vàng, đem theo một con gà quay ra… dụ dỗ Bát Giới. Trư Bát Giới xuất hiện trên sân khấu cũng rất… “trư”, cởi trần, chỉ khoác một chiếc áo ở ngoài nên hở toàn bộ phần ngực trắng phớ và… lỗ rốn (trong khi để thể hiện lão Trư có nhiều cách thể hiện khác chứ đâu cần phải… cởi trần trước mặt các cháu).

Ly kỳ hơn, cô yêu nữ đứng nhún nhảy trên sân khấu theo kiểu… khêu gợi. Một tay cô còn kéo nhẹ ống tay áo lên, từ từ vuốt lên tấm ngực trần của lão Trư, miệng thốt lên những từ ngọt ngào. Còn lão Trư thì hết sức phấn khích, luôn mồm khen: “Tay ai mà trắng thế, mịn thế?”. Chắc sợ chưa đủ “đô”, cô yêu quái mắt lúng liếng, miệng cười tươi lại khẽ khàng… kéo ống quần, để lộ chút da chân cũng… trắng không kém. Anh Trư càng được thể khen tiếp: “Chân trắng thế, người xinh thế…”.

Phía dưới hàng ghế, nhiều em nhỏ phấn khích: “Yêu quái đấy, không phải… gái đâu”. Có em thì hét: “Gái đấy, ôm đi ôm đi!” (!). Con gái tôi mới 4 tuổi, ngồi cạnh mẹ thì liên tục giật giật áo hỏi: “Tại sao cô ấy lại… cọ cọ vào người chú Bát Giới” khiến tôi không biết trả lời sao.

Đành rằng trong nguyên tác lẫn bộ phim nổi tiếng chuyển thể từ truyện Tây du ký, các tác giả cũng mô tả Trư Bát Giới rất thích phụ nữ đẹp. Nhưng những thể hiện đó rất kín đáo, hài hước. Còn ở ta, liệu có cần thiết phải đưa cảnh khêu gợi đó lên sân khấu, ngay trước mắt hàng trăm em nhỏ không?

Ngoài vở kịch, cũng trong đêm diễn còn có thêm vài tiết mục ảo thuật và xiếc. Tuy nhiên vẫn chỉ là những tiết mục “bổn cũ soạn lại” như khỉ đi xe đạp, chó học toán mà tôi chắc rằng ngay thời “mẹ các bé” ngồi đây cũng đã được xem rồi!

Mong sao trong những ngày tết thiếu nhi tiếp theo, ở những năm tiếp theo, trẻ em VN sẽ có điều kiện thưởng thức những “bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc và có ý nghĩa hơn.