Không đội MBH vì sợ… hỏng tóc đẹp
Cháu mới làm kiểu tóc này, sợ hỏng nên cháu mới không đội mũ bảo hiểm”, người thanh niên có mái tóc dựng kiểu “chào mào” với hai màu đen, bạch kim vừa ký vào biên bản xử phạt của CS113, Công an TP Hà Nội, vừa thanh minh.
Người thanh niên có kiểu tóc “chào mào” bị xử phạt lỗi không đội MBH
“Mải lo “bảo vệ” mái tóc mà quên cái đầu, một nghịch lý đáng buồn không hiếm gặp khi xử lí những người không chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy.
Không đội MBH để khẳng định cái tôi!
42.826 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm (MBH) là con số Công an Hà Nội công bố sau 1 tháng thực hiện Kế hoạch 52 về tập trung xử lý người ngồi trên môtô, xe gắn máy không đội MBH. Một con số phản ánh phần nào thực trạng không “thích” đội MBH có biểu hiện gia tăng hiện nay.
Tôi từng chứng kiến cuộc “lướt sóng” ngoạn mục của một thanh niên chở cô gái ngồi sau không đội MBH giữa dòng xe gắn máy đang ùn ùn đổ vào nội thành trên đường Tây Sơn vào giờ đi làm buổi sáng để tránh bị xử phạt. Cũng như tôi, những người đang tham gia điều khiển xe gắn máy vô cùng bất bình trước thái độ cũng như hành động gây mất an toàn giao thông của người thanh niên kia.
Đó là khi người thanh niên đi qua ngã ba Hồ Đắc Di – Tây Sơn và bị một trật tự viên yêu cầu dừng xe. Người này không những không dừng mà bất chấp sự an toàn của những người đang điều khiển xe máy phía trước để vượt lên. Nhìn thấy vậy, người trật tự viên liền đứng lại, đồng chí CSGT lúc ấy cũng ra hiệu không đuổi theo. Điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng may ai đó bị người thanh niên kia quệt vào trong khi chạy trốn với tốc độ cao?
Trở lại trường hợp người thanh niên có kiểu tóc “chào mào” nêu ở phần đầu bài viết để thấy rằng, có những người bất chấp quy định của pháp luật chỉ vì những lý do rất vô lý.
Trung tá Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội CS113 cho biết, trường hợp này không phải hiếm gặp, nó thường rơi vào những người trẻ tuổi. Người ta nại ra đủ các lý do, nào là đầu mới xịt keo, tóc mới uốn quăn, quần áo kiểu này, kiểu nọ đội MBH làm mất dáng…
Để xử phạt những thanh niên phớt lờ luật lệ, CS113 được huy động vào cuộc cùng với CSGT, CSCĐ. Ưu thế của CS113 là phản ứng nhanh, chính vì việc tiếp cận những “tay chơi” đi xe ga đời mới, luôn phóng xe với tốc độ cao dễ dàng hơn. Thế nhưng, trong nhiều tình huống các anh cũng phải bó tay vì thái độ bất chấp sự an toàn của người điều khiển xe gắn máy.
Nếu đuổi theo và xử phạt lỗi không đội MBH mà để người vi phạm do cố trốn chạy mà gây tai nạn cho những người tham gia giao thông khác thì lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép!
Quyết liệt xử phạt
Từ ngày 19/5/2009, Công an thành phố Hà Nội sẽ quyết liệt xử lý vi phạm không đội MBH vào ban đêm. Việc làm này cho thấy, quyết tâm chấn chỉnh việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH của Công an thành phố. Hiện tượng những thanh niên ra đường buổi tối không đội MBH đã đến mức báo động. Họ cưỡi trên những chiếc xe đời mới và thích thú khoe những mái tóc bay trong gió. Đẹp là cần thiết, nhưng đẹp phải đi đôi với an toàn.
Tôi xin lấy ra đây ví dụ về quan niệm cái đẹp của Trần Hoài Linh, một 9X thứ thiệt, một công dân IT (công nghệ thông tin) đang theo học tại Trường Aptech Hà Nội để bạn đọc thấy quan niệm lệch lạc của một người được coi là trí thức trẻ.
Linh có kiểu tóc “đuôi chồn”, một kiểu tóc dựng đứng phần đầu, còn phần đuôi thì để dài. Mỗi khi ra phố, Linh lại mượn “con” SHi của mẹ để lượn. Mặc dù trong cốp xe luôn có sẵn MBH nhưng Linh chẳng bao giờ chịu đội, tôi hỏi “nhỡ gặp Công an thì sao?”, cậu ta bảo “thì phượt chứ sao”.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Linh bảo xe SHi 150 phân khối, với tay lái lụa thì chạy trốn Công an dễ ợt. “Thế cháu không sợ “tạch” (ngã) à?”, Linh lắc đầu bảo: “Bốc đầu bằng SH cháu còn làm được nữa là”. Với những thanh niên “cứng đầu” như Linh, việc xử lý nghiêm để lần sau ngồi lên xe máy phải đội MBH là rất cần thiết, tôi rút ra kết luận sau khi không thuyết phục được chàng trai 9X này.
Với kinh nghiệm xử phạt những thanh niên trẻ tuổi vi phạm không đội MBH, Trung tá Nguyễn Văn Quang nhận định, việc thay đổi nhận thức của đối tượng này là quan trọng. Khi có ý thức về trách nhiệm với bản thân và gia đình, họ mới từ bỏ được những ý thích bốc đồng, muốn thể hiện cái tôi một cách kệch cỡm bằng việc phớt lờ đội MBH chẳng hạn.
Ai cũng biết, tác dụng của việc đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy. Quy định đội MBH đã đi vào cuộc sống, nó đã trở thành thói quen của số đông người dân. Tiếc rằng có một số người trẻ tuổi lại cố tình không thực hiện quy định này nên các cơ quan chức năng buộc phải “cưỡng chế” đội MBH.