Giấy vệ sinh đáng sợ hơn ôtô
Giấy vệ sinh siêu mềm là thứ mà chúng ta chỉ sử dụng trong vài giây, song những tác động tiêu cực của nó đối với môi trường có thể kéo dài hàng thế kỷ, hơn cả một chiếc ôtô.
Ảnh: hubpage
Theo thống kê của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (một tổ chức bảo vệ môi trường có trụ sở tại New York, Mỹ) thì 98% nguyên liệu để sản xuất giấy vệ sinh siêu mềm ở Mỹ tới từ các khu rừng nguyên sinh. Trong quá trình sản xuất giấy, các nhà máy sử dụng nhiều hóa chất độc hại và chúng được thải ra ngoài không khí, đất, nước.
Tại châu Âu, chỉ khoảng 40% giấy toilet được sản xuất từ các sản phẩm tái chế. Gỗ là nguyên liệu để sản xuất phần còn lại.
Allen Hershkowitz, một nhà khoa học thuộc Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát biểu: “Giấy vệ sinh là loại sản phẩm mà chúng ta chỉ sử dụng trong vài giây nhưng để lại nhiều tác động sinh thái vô cùng to lớn. Các thế hệ tương lai sẽ cho rằng cách chúng ta sản xuất giấy vệ sinh là một trong những hành động gây lãng phí nhất trong thời đại của chúng ta. Sản xuất giấy vệ sinh từ gỗ rừng nguyên sinh là một trong những việc đáng sợ hơn lái xe Hummer, nếu xét về phương diện phá hoại môi trường”.
Tổ chức Green Peace vừa phát động một chiến dịch tuyên truyền về những tác động sinh thái của giấy vệ sinh siêu mềm nhằm đối phó với chiến dịch tiếp thị rầm rộ của các nhà sản xuất giấy vệ sinh.
Mỹ là nước dùng nhiều giấy vệ sinh nhất thế giới. Tính trung bình thì khối lượng giấy vệ sinh mà một người Mỹ sử dụng trong một năm gấp 3 lần một người dân Anh và khoảng 100 lần người dân Trung Quốc
Trước làn sóng chỉ trích của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhiều công ty sản xuất giấy vệ sinh tại Mỹ đã lên tiếng. Chẳng hạn, hãng Kimberly-Clark khẳng định họ mua gỗ của các trang trại tư nhân tại Canada để làm giấy, chứ không khai thác trong rừng.