Ăn lẩu cạnh… “bom”

Tại quán lẩu, chúng tôi phát hoảng khi thấy hầu hết các bếp gas du lịch đều cũ rích, có những bếp tơi tả đến mức mất cả bộ phận đậy lên chỗ để bình gas. Bình gas thì hoen rỉ, cáu bẩn chẳng khác gì vỏ sắt vụn. Yêu cầu nhân viên đổi bình mới, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Chị thông cảm, nhà em chỉ có thế”.

Ăn lẩu ở quán nhậu bên hồ Trúc Bạch bị mời kẹo không nguồn gốc. (Ảnh: T.H.).

Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh quán nhậu; nhân viên ra giữa đường bắt khách gây mất trật tự an toàn giao thông; rác thải, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thấy mà… kinh; hàng loạt các dịch vụ ăn theo, đu bám bên quán nhậu gây phiền nhiễu cho khách hàng; hoạt động quá 24h… là những thực trạng đang tồn tại ở nhiều tụ điểm ăn đêm của Hà Nội.

Thực trạng này kéo dài đã nhiều năm, Công an và chính quyền các địa phương mở nhiều chiến dịch nhằm lập lại trật tự, nhưng chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy.

Những dịch vụ đeo bám bên quán nhậu

Cái rét căm căm, những bàn nhậu bên hồ Trúc Bạch vẫn đông nghịt, người cụng ly, người râm rả nói chuyện, mùi hải sản nướng khét lẹt khiến con phố này càng thêm náo động. Xe máy, ôtô kéo đến mỗi lúc một đông, chật kín phía bên kia bờ hồ, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Trong vai thực khách, chúng tôi chọn một nhà hàng hải sản có cái tên khá ấn tượng. Diện tích nhà hàng này bé tẹo, nên khách phải ngồi hết ngoài vỉa hè. Nhìn sang các quán khác cũng vậy, chúng tôi không còn nhận ra 1cm nào là vỉa hè nữa, nó đã bị chiếm dụng hoàn toàn để kinh doanh.

Vừa ngồi chưa nóng chỗ, liên tục chúng tôi bị làm phiền bởi những dịch vụ đu bám bên quán nhậu. Đầu tiên là một chiếc vỏ hộp sữa loại 900g chìa vào trước mặt, bên trong có ít tiền lẻ. Hóa ra, đây là dịch vụ thu tiền “hát dạo”.

Phía sau, một thanh niên gầy nhom đang dạo đàn ghi ta và nỉ non bài hát “Tình thôi xót xa”. Nhóm chúng tôi đã bỏ 2.000đ vào vỏ hộp sữa nhưng người thanh niên vẫn tiếp tục nài nỉ. Trông anh ta nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhưng cứ ngồi thụp, lê từ bàn này sang bàn khác.

Chưa hết cảnh này, chúng tôi lại tiếp tục bị làm phiền bởi một gánh bánh đa nướng đang chìa vào bàn mời mọc: “Mua cho chị đi em”…

Chưa đầy một giờ đồng hồ, chúng tôi liên tục bị quấy nhiễu khi đội quân này đi khỏi lại đến đội quân khác làm phiền. Một tốp trẻ khoảng 15 tuổi cầm rổ kẹo cao su, kẹo béo, kẹo càphê đi từng bàn mời khách.

Khách không mua thì đội quân này lượn đi lượn lại, năn nỉ chèo kéo hàng chục lần, nếu muốn giải thoát khỏi cảnh làm phiền, tốt nhất là mua một phong kẹo cao su cho xong chuyện. Nhưng khi mua xong rồi mọi người mới ớ ra khi kẹo cao su này không hề có bất cứ nhãn mác gì, nó giống như phong kẹo trắng.

Tưởng đã giải thoát khỏi cảnh phiền hà, nào ngờ cả mặt phố lại giật mình bởi âm thanh ầm ầm từ đâu phát ra. Sau đó là một giọng hát nam với dòng nhạc trẻ đập bùm bùm, cộng với tiếng cười nói của khách nhậu khiến cả khu phố chẳng khác gì chợ vỡ.

Càng về đêm, tiếng nhạc nghe càng chát chúa, nhức óc. Người thanh niên cầm micorô hát đến đâu tức thì một thanh niên khác cầm những nắm kẹo trên tay đi bán đến đấy. Một kiểu kinh doanh rất lạ. Vẫn là kẹo không nhãn mác, bọc bằng ninon trắng, không nguồn gốc xuất xứ, nhưng thực khách vẫn gật gù chấp nhận.

Phía bên kia đường, dưới gốc cây, người thanh niên thứ 3 đang chỉnh âm li (chiếc âm li để trên xe máy). Theo tìm hiểu của chúng tôi thì 3 thanh niên này hợp thành một nhóm, chuyên chạy xô ở các khu vực có quán nhậu để hát và bán kẹo…

Báo động về nguy cơ cháy nổ, VSATTP

Theo phản ánh của người dân đến Đường dây nóng Báo CAND, trên phố Cao Bá Quát xuất hiện tình trạng nhân viên một số quán lẩu ra giữa đường vẫy khách, thậm chí còn giữ đầu xe để mời người đi đường vào quán, gây nguy hiểm đến TTATGT.

Để mục sở thị, tối thứ bảy, chúng tôi cho xe chạy từ từ trên con phố này. Còn đang ngó nghiêng, bỗng 2 thanh niên từ trong một quán lẩu bên đường lao ra giữ lấy xe, chúng tôi chỉ còn cách đưa xe cho họ. Bàn ghế và khách ngồi kín vỉa hè, dưới lòng đường chật ních xe.

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều về nguy cơ cháy nổ từ những chiếc bình gas mini tái sử dụng, nhưng ở đây vẫn điếc không sợ súng.

Tại quán lẩu này, chúng tôi phát hoảng khi thấy hầu hết các bếp gas du lịch đều cũ rích, có những bếp tơi tả đến mức mất cả bộ phận đậy lên chỗ để bình gas. Còn bình gas thì hoen rỉ, cáu bẩn chẳng khác gì vỏ sắt vụn. Yêu cầu nhân viên đổi bình mới, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Chị thông cảm, nhà em chỉ có thế”.

Mặc dù Bộ Công Thương đã cấm tái sử dụng bình gas mini, lực lượng QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xử phạt những nhà hàng, khách sạn, quán ăn vi phạm, nhưng việc xử lý đến nay vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Và hậu quả, nhiều vụ cháy nổ bình gas mini đã xảy ra, thiệt hại vẫn thuộc về người tiêu dùng.

Ngay cả các quán lẩu vỉa hè trên phố Phùng Hưng, tuy đã bị lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra tịch thu khá nhiều bình gas mini tái sử dụng, nhưng đến nay vẫn vi phạm.

Chứng kiến khu vực chế biến thực phẩm, rửa bát đĩa, rửa rau ở những quán nhậu này, chúng tôi chỉ biết dùng ba chữ “thấy… mà kinh”. Chậu nước đen ngòm đầy bọt xà phòng, thực phẩm, rau sống để ngay tại lối đi ướt lép nhép. Nếu nhìn thấy cảnh này, tôi dám chắc quá nửa thực khách không dám đụng đũa. Trên mỗi bàn nhậu, vẫn thấy những chai rượu không nhãn mác.

Mất ATVSTP khi hầu hết đều vi phạm 10 tiêu chí về thức ăn đường phố. Nhưng việc vi phạm này vẫn diễn ra lâu nay, cơ quan chức năng hình như không kiểm tra tới các quán ăn đêm, còn thực khách thì khuất mắt trông coi, quên đi mối hiểm họa có thể rơi vào mình bất cứ lúc nào.

Vào buổi tối, trên những con phố cổ vốn nổi tiếng của Hà Nội như Mã Mây, Phùng Hưng, Cao Bá Quát… ai cũng dễ dàng thấy nó bị chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh quán ăn. Không những thế, người ta còn chiếm dụng nốt hè đường đối diện để giữ xe.

Bên bờ hồ Trúc Bạch, Hồ Tây, lối cho người đi bộ đã hết, bởi đặc kín xe máy của khách và các hàng quán kinh doanh ăn uống. Những cuộc cãi vã, xô xát, tranh giành khách giữa một số quán nhậu bên các bờ hồ này là chuyện thường.

Công an và chính quyền phường Trúc Bạch đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, bắt giữ, thậm chí kết hợp với cả biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nhưng chỉ được một thời gian, sau lại vi phạm… Môi trường nước hồ bị ô nhiễm, cảnh quan bị xâm chiếm, lòng lề đường bị chiếm dụng… đó là những gì đang diễn ra bên một số hồ ở Hà Nội.