Trở thành triệu phú trước khi tốt nghiệp đại học

Trong thời buổi khó khăn, chúng ta có xu hướng nhằm đến những “cựu binh” trong kinh doanh để tìm kiếm sự thông thái và kinh nghiệm. Nhưng thực tế, những điều khiến người ta tìm thấy nhiều hy vọng nhất chính là tinh thần lạc quan và sáng tạo của những người trẻ thành công.

Có những người như thế – đã và đang đứng đầu những doanh nghiệp triệu đô từ trước tuổi 20.

1. Bắt đầu từ trò chơi điện tử

Ephren Taylor II không thể mua được cả một thư viện trò chơi cho chiếc máy Super Nintendo của mình. Thế nên, năm 1994, ở tuổi 12, cậu bé Taylor đành tự làm lấy!

Mỗi ngày, sau giờ học, cậu đi tới hiệu sách ở Overland Park (bang Kansas) để học cuốn Làm sao để làm ra một trò chơi điện tử trong 21 ngày của tác giả Andre LaMothe.

Vài tháng sau đó, cậu lập trình một trò chơi đầu tiên. Cậu bán được khoảng 30 triệu bản cho bạn bè với giá 10 đôla/bản.

Ephren Taylor II

Đó mới chỉ là khởi đầu. Ở tuổi 13, Taylor lại bắt đầu tự thiết kế website. Cậu quảng cáo dịch vụ của mình bằng một banner ghi “Flame Software” trên các chatroom trên mạng. Những người liên lạc với cậu chẳng hỏi tuổi, vì cậu có đầy đủ các chứng chỉ hợp lý nói qua điện thoại khá già dặn.

Ban đầu, Taylor chỉ tính giá 200 đôla/website, nhưng rồi cậu nhanh chóng nâng giá khi nhận ra rằng các đối thủ cạnh tranh đang lấy giá hàng nghìn đôla với dịch vụ tương tự.

Các hợp đồng thường được thực hiện bởi những người môi giới công nghệ, và khách hàng gửi séc qua bưu điện cho Taylor. “Khi tôi nhận được một tấm séc 3.800 đôla (từ một nhà bán lẻ vitamin và các thuốc bổ sung hợp pháp khác khác trên mạng), bố mẹ đã tưởng tôi đang bán ma túy”, Taylor nhớ lại.

Taylor vượt qua ngưỡng doanh thu bảy chữ số ở tuổi 16 bằng cách kết hợp với cậu bạn Michael Stahl để xây dựng một trang web post các việc làm (người tìm việc, việc tìm người) cho học sinh trung học và sinh viên, ở địa chỉ GoFerretGo.com. Cặp đôi này không còn nhiều tiền để quảng cáo, nên họ “gửi e-mail tùm lum” tới các phóng viên địa phương và khu vực để thông báo về doanh nghiệp mới của mình. Thông tin được đồn thổi, và chẳng bao lâu, trang web của họ đã thu hút 30.000 lượt ghé thăm.

Lại một lần nữa, Taylor bán “phá giá”: chỉ lấy 38 đôla cho mỗi lần post việc làm, cho đến khi cậu nhận ra rằng Sprint, Citigroup và Pizza Hut sẵn sàng trả gấp 100 lần để tìm được các tài năng trẻ. Hai chàng trai này cuối cùng đã thuê luôn cả… thầy giáo dạy lịch sử cũ của mình. Lúc ở đỉnh cao, công ty này được định giá 3,5 triệu đôla.

Bây giờ, ở tuổi 26, Taylor điều hành một công ty cổ phần đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội. Anh cũng làm giám đốc điều hành cho City Capital, đầu tư vào các dự án tái sinh đô thị và các giếng dầu. Không chỉ thế, anh được mời thuyết trình khoảng 70 lần/năm, và được trả 8.000 đôla/lần.

Lời khuyên cho các doanh nhân trẻ của anh là: “Kiên nhẫn, rồi bạn sẽ được đền đáp”.

2. Bắt đầu bằng những tấm thiệp

Năm 1994, khi Cameron Johnson mới 9 tuổi, cậu đã khởi động màn kinh doanh đầu tiên ở nhà mình (bang Viginia): tự làm thiệp mời cho buổi tiệc mừng lễ hội của bố mẹ. Ở tuổi 11, Johnson đã tiết kiệm được vài ngàn đôla bằng cách bán thiệp. Cậu đặt tên cho công ty của mình là “Cheers and Tears” (Nụ cười và nước mắt).

Cameron Johnson

Johnson không dừng lại ở đó. Ở tuổi 12, Johnson đưa co em gái của mình 100 đôla để mua trọn bộ sưu tập 30 con thú bông Ty Beanie Babies của cô bé. Sau đó, cậu doanh nhân nhỏ tuổi này nhanh chóng kiếm được gấp 10 lần số tiền đó bằng cách bán những búp bê bông này trên eBay.

Thấy có tiềm năng, cậu liên hệ với hãng Ty và bắt đầu mua búp bê với giá buôn, với mục đích bán lại trên eBay và trên trang web Cheers and Tears của mình.

Chưa đầy một năm, Johnson đã gửi tiết kiệm được 50.000 đôla – số tiền vốn cho chuyến chu du tiếp theo của cậu – My EZ Mail – một dịch vụ gửi chuyển tiếp e-mail tới một tài khoản e-mail nhất định mà không tiết lộ thông tin cá nhân của người nhận. Cậu thuê một lập trình viên để thực hiện ý tưởng này, và trong vòng 2 năm, My EZ Mail đã đem lại 3.000 đôla/tháng từ tiền quảng cáo.

Như thế vẫn chưa xong việc của Johnson. Năm 1997, cậu kết hợp với hai doanh nhân teen khác là Aaron Greenspan và Tom Kho để tạo ra một công ty quảng cáo online – Surfingprise.com. Công ty này cung cấp những quảng cáo dạng cuốn trên đầu các trình duyệt web của người sử dụng. Những người download phần mềm này nhận được 20 xu/giờ để bù đắp cho sự bất tiện của việc chấp nhận có quảng cáo trên màn hình vi tính của mình.

Các chàng trai trẻ này lại dùng chiến lược kim tự tháp để lan tỏa dịch vụ. Những người sử dụng giới thiệu được Surfingprise.com cho một khách hàng mới sẽ nhận được 10% thu nhập tính theo giờ của người mới đó.

Nhưng Johnson và công ty của mình không chỉ bán phần mềm – họ còn muốn có một phần từ doanh thu quảng cáo nữa. Giải pháp của họ: làm đối tác với những công ty như DoubleClick, L90 và Advertising.com để những công ty này có thể bán quảng cáo cho họ. Theo hợp đồng, những công ty trung gian kia sẽ nhận 30% của bất kỳ khoản thu nào từ quảng cáo bán được, còn ba chàng trai trẻ của chúng ta nhận 70%.

“Lúc đó tôi 15 tuổi và đã nhận những tấm séc 300.000-400.000 đôla/tháng” – Johnson kể. Ở tuổi 19, cậu bán tên công y và phần mềm (nhưng không bán dữ liệu khách hàng, tất nhiên) cho một công ty không được tiết lộ tên. Johnson nói: “Trước khi tốt nghiệp trung học, thì tổng tài sản của tôi đã trị giá hơn 1 triệu đôla”.

Bây giờ, 24 tuổi, Johnson dành thời gian thuyết giảng về kinh doanh và chủ trì chương trình Beat The Boss của BBC. Anh cũng làm việc với vai trò chuyên gia kinh doanh trên một series của kênh Animal Planet từ tháng 5/2009. “Cứ lao mình ra” – Johnson khuyên – “Đừng sợ bị từ chối. Đừng sợ hỏi bất kỳ điều gì”.

3. Bắt đầu bằng công ty mạng xã hội

Năm 1999, Adam Hildreth ở West Yorkshire (Anh) bước chân vào thế giới kinh doanh ở tuổi 14, bằng cách bắt đầu một công ty mạng xã hội tên là Dubit Limited.

Những tên tuổi lớn như Coca-Cola sử dụng các thành viên của website này làm những nhóm tập trung để giúp tiếp thị sản phẩm của họ tới người tiêu dùng trẻ.

Adam Hildreth

Hildreth làm giám đốc quản lý của công ty trong gần 4 năm, dẫn dắt Dubit trở thành web-site được teen ghé thăm nhiều nhất nước Anh. Hildreth, lúc đó 19 tuổi, cũng trở thành một trong 20 teen giàu có nhất nước Anh, với tổng tài sản ước tính khoảng 3,7 triệu đôla.

Năm 2005, Hidreth thành lập một doanh nghiệp khác, phát triển phần mềm để bảo vệ trẻ em khỏi những kẻ xấu trên mạng. Theo một nghiên cứu mới đây của ĐH Cambridge, thì phần mềm của Crisp – tên công ty của Hildreth – có hiệu quả tới 98,4% trong việc phát hiện ra những cuộc hội thoại có khả năng nguy hiểm trên mạng.

Những người trẻ này có thể khác nhau về nền tảng giáo dục, về điểm khởi đầu… Nhưng có một sợi chỉ chung xuyên suốt trong cách làm việc của họ: họ có động lực kỳ lạ để biến ý tưởng thành hiện thực.