Chứng khoán và cuộc đời

áng thứ 2 lên văn phòng, mở máy tính thấy tin chứng khoán bùng nổ từ nhiều tuần nay lên trang nhất các báo điện tử, ngẫm thấy buồn vui lẫn lộn.

Chứng khoán là gì mà như ma thuật, thu hút hàng vạn con tim hồi hộp dõi theo, độc chiếm hàng trăm trang báo, tốn không ít giấy mực của giới cầm bút?
Cách đây ba năm, trong một lần bước ra sàn giao dịch ở đầu phố Tràng Tiền- Hà Nội, bỗng bắt gặp một cô gái xinh như mộng đang ngẩn ngơ đợi chờ những con số nhảy nhót trên bảng điện tử xanh đỏ. Tôi liền hỏi cô, cái bảng kia có ý nghĩa gì? Tất nhiên, tôi quan tâm tới cô nhiều hơn là cái bảng điện tử kia.

Cô giải thích cho tôi cột nào là mã chứng khoán, cột nào là giá cả, cột nào là giá tham chiếu… Nghe mà như người mộng du. May thay, kết thúc cuộc phỏng vấn bất đắc dĩ, tôi cũng in được số điện thoại của cô gái có vòng 1 quá ư là hấp dẫn.

Chứng khoán cũng như cuộc đời, dông bão là một phần tạo nên đời sống. (Ảnh: Trần Huấn)

Để có lý do gọi lại cho cái vòng một kia, tôi dành thời gian đọc ngốn ngấu những thông tin liên quan đến chứng khoán. Thế rồi càng đọc tôi như lạc vào rừng rậm. Đến lúc này, sự hấp dẫn của chứng khoán đã thực sự mê hoặc tôi.

Và người viết bài này bắt tay vào cuộc chơi chứng khoán. (Dù sao cũng có phần muốn khoe khoang với người đẹp). Cuối năm 2006, đầu năm 2007 được coi là thời điểm hoàng kim của những người chơi mới nhập cuộc. Việc mua đi bán lại, mỗi ngày kiếm một vài chục không còn là chuyện khó, thậm chí con số thắng có lúc lên tới một số trăm.

Rồi xảy ra sự kiện 15/09/2008, Lehman Brothers tuyên bố phá sản. Đây được coi là vụ nổ tài chính lớn nhất trong vòng 80 năm qua của nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ Phố Wall cứ như một làn sóng bạc ầm ầm chuyển động, không chừa một quốc gia nào.

Nếu các chứng khoán trong tay được thanh khoản trước đó, việc tôi có số tiền là một vài triệu USD là hiển nhiên. Nhưng sự đổ vở từ cái Phố Wall chết tiệt ấy đã lấy đi tất cả. Một năm sau, tôi trở về điểm xuất phát ban đầu.

Giờ đây, khi viết những dòng này và hồi hộp theo dõi được đăng, hồi hộp theo dõi xem tòa soạn trả cho mình bao nhiêu tiền nhuận bút để đổ xăng, ngẫm lại thấy những khoản đã mất, tiếc đứt ruột. Tự thấy mình sao lúc đó quá ngu, không biết biến tiền thành nhà thành xe, thành vàng mà tiếp tục lao theo những giấy tờ có giá, rồi nhiều thứ trở thành giấy lộn. Một số thứ khác mất giá bán vội để trả nợ huy động, vẫn còn âm. Ngẫm lại mới thấy chuyện ở đâu đó, có ông tỷ phú nọ, ông triệu phú kia nhảy lầu vì chứng khoán là không có gì lạ.

Buồn chán lôi sách ra đọc, nhìn sang nước láng giềng, ông Thaksin đã có thời là chủ tịch của hãng SinCorp với tổng tài sản nhiều tỷ đô. Ông cũng đã từng là thủ tướng mang lại dấu ấn sâu sắc trên chính trường. Không chỉ có quyền, ông còn là một trong những người giàu nhất xứ Xiêm. Thế rồi, ông bị lật đổ rồi phải sống lưu vong.

Nhìn xa hơn một chút, ở thế kỷ 19, Napoleon là vị Hoàng đế có một không hai trong lịch sử. Năm 30 tuổi, ông có trong tay nước Pháp. Năm 40 tuổi, ông có trong tay cả châu Âu. Chỉ phạm một vài sai lầm đưa quân vào nước Nga, ông đã trở thành kẻ bại trận và kết thúc cuộc đời của mình ở đảo Helena ngoài khơi Đại Tây dương.

Sự mất mát của chứng khoán chưa thấm vào đâu so với sự mất mát của cuộc đời. Tuy vậy chúng có một điểm tương đồng là đều xuất phát từ những sai lầm. Những sai lầm có thể biến những tỷ phú thành kẻ trắng tay, biến những nguyên thủ thành những tên tội đồ, biến sự sống sống thành cái chết.

Giờ đây, khi chứng khoán xanh sàn, bao kẻ dốc túi ào ạt mua vào để thỏa mãn cơn khát đầu tư, có ai còn nhớ tới sự kiện 15/9/2007, chúng mới chỉ xẩy ra cách đây chưa đầy hai năm. Chứng khoán cũng như cuộc đời, dông bão là một phần tạo nên đời sống của những kiếp người mà theo nhạc sỹ họ Trịnh, chỉ là những hạt bụi được hóa kiếp, để rồi, một lúc nào đó chúng ta lại về với cát bụi!