Chuyện của “Trùm du lịch mạo hiểm”

Ngày Nguyễn Đức Hiếu còn là một chàng trai 20 tuổi, sống ở Đà Lạt, niềm đam mê số một của anh là cưỡi con Asma De Paris hay Standard (những dòng Vespa cổ), một mình chinh phục các cung đường đầy mạo hiểm như Trường Sơn, quốc lộ 14, 27…

Những chuyến du lịch bụi giúp anh trưởng thành. Thế nên, không cần qua trường lớp, anh chọn hướng kiếm sống cho mình bằng nghề du lịch.

Công ty Hồng Bàng Travel của anh kiên trì một hướng đi riêng: tổ chức các tour du lịch mạo hiểm như leo núi, dù lượn, lặn biển, vượt biển bằng bè, vượt thác bằng xuồng cao su… “Mình làm du lịch mạo hiểm vừa để kiếm tiền, vừa để được chơi” – anh Hiếu cho biết.

Tự ái biến tay chơi thành… nhà tổ chức

Du lịch Việt Nam lâu nay phát triển theo hướng tham quan nghỉ dưỡng. Du lịch mạo hiểm chỉ dừng lại ở những cá nhân hoặc nhóm lẻ tẻ.

Vài lần tự mình đăng ký đi khảo sát và mua vé chơi các môn thể thao mạo hiểm ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaixia… Nguyễn Đức Hiếu nhận thấy nước mình đang bỏ lỡ những tiềm năng vốn vượt trội: “Chúng ta có hệ thống núi có thể phát triển loại hình du lịch leo núi cực kỳ phù hợp, điển hình là các núi đá vôi ở Phong Nha (Quảng Bình), Hòn Hèo (Nha Trang), Phanxipăng… Hệ thống sông dốc chảy từ Tây sang Đông khắp cả nước có thể phát triển loại hình chèo xuồng vượt thác.

Các vịnh biểnđẹp thích hợp lặn biển, vượt biển. Các nước khác không có điều kiện tự nhiên bằng Việt Nam, vẫn có những khu thể thao mạo hiểm rất tốt. Chẳng hạn, ở Thái Lan, người ta sẵn sàng chặn một dòng sông. Khi cần có thể xả đập để người chơi vượt thác vài cây số. Sau khi chơi xong thì đóng đập lại. Con thác biến mất trong tích tắc”.

Năm 1992, anh Hiếu đọc một bài báo viết về cuộc đua tài mạo hiểm mang tên Raid Gauloises do người Pháp tổ chức ở Việt Nam, thu hút hơn 400 người tham gia. Tác giả bài báo đặt ra nghi vấn: “Liệu trào lưu này có ổn không với một lớp người Việt trẻ mà đa số “ủ mình” trong phòng lạnh, dán mắt màn hình vi tính?”.

Hết sức tự ái, anh Hiếu đã cắt lại bài báo đó, làm tư liệu. Từ đây, anh quyết định hình thành một dạng tour mới ở Việt Nam: tour mạo hiểm. Nguyễn Đức Hiếu chỉ muốn chứng minh, người trẻ Việt hoàn toàn có thể tổ chức loại hình du lịch có thể giúp cho con người định hình nhân cách và kỹ năng cao.

Trước vực sâu, sợ cũng phải biết cách

Người Việt vốn quen nếp nghĩ du lịch mạo hiểm là của dân Tây. Anh Hiếu cho biết: “Khi đến với tour mạo hiểm, các bạn trẻ thường hơi sợ sệt. Các bạn đánh đồng thể thao mạo hiểm với sự liều mạng. Nỗi sợ của các bạn là do không tìm hiểu, không biết gì về nó. Do đó, các bạn bị ám ảnh.

Thực ra, du lịch mạo hiểm là một môn cực kỳ an toàn nếu mình tuân thủ những quy tắc về kỹ thuật chơi cũng như hiểu biết về dụng cụ. Trong khi tôi đưa các bạn lên mép vực, các bạn lại vì thiếu hiểu biết và hiếu kỳ, cứ nhoi đầu nhìn xuống. Điều này, không an toàn tí nào. Do đó, chúng ta đang sợ điều không cần sợ, và không sợ điều cần phải sợ”.

Du lịch mạo hiểm, không chỉ thỏa tò mò!

Nhiều bạn trẻ đăng ký du lịch mạo hiểm thường bảo anh Hiếu rằng, chơi vì thấy trên ti vi người ta chơi nên tò mò tham gia cho biết. Thế nhưng, khi đã vượt qua một ngọn núi, một vịnh biển… các bạn tức khắc hiểu được vì sao du lịch mạo hiểm lại cuốn hút người ta như vậy.

Sau một chuyến du lịch mạo hiểm, người trẻ khám phá được sự kỳ thú của thiên nhiên, và hơn hết, thực sự tìm thấy một khía cạnh còn ẩn giấu trong con người mình. Mục đích lớn của một cuộc chinh phục là luyện tính cẩn thận, óc phán đoán những tình huống khó khăn.

Cũng như chuyện kinh doanh hay lãnh đạo, sự mạo hiểm luôn gắn với sự logic và hợp lý chứ không phải liều lĩnh bất chấp. Điều này giải thích tại sao những thanh niên có công ăn việc làm ở nước ngoài thích tham gia những cuộc tranh tài cam go, khổ cực, nguy hiểm. Những cuộc chơi này giúp ích họ rất nhiều cho việc hình thành kỹ năng, nhân cách, và năng lực xử lý công việc.

Nguyễn Đức Hiếu còn có một nick vui vui là “giám đốc nhặt rác”. Trong những tour huấn luyện tính tập thể (team building), anh thường rất coi trọng yếu tố môi trường. Thường tổ chức tour đi đến những vùng đất hoang sơ, bài toán đặt ra là phải có nhà vệ sinh, thùng rác và nước uống. Anh cho biết, phải thiết kế nhà vệ sinh gọn, sạch và linh động những nơi đoàn đi qua.

Anh bố trí những thùng nước giấu trên cây để khách không phát hiện ra, đảm bảo môi trường còn hoang dã, tự nhiên. Ngoài đặt các thùng rác trên đường đi, anh luôn nhắc nhở khách du lịch bỏ những loại rác khó tiêu hủy như vỏ lon, bịch ni lông vào túi xách, vứt đúng vị trí. Khi đoàn nghỉ ngơi, ông giám đốc lại lụi cụi một mình nhặt mớ rác mà ai đó đã vô tư xả. “Phải như thế mình mới dần giúp mọi người suy nghĩ nghiêm túc về bảo vệ môi trường” – anh Hiếu tâm sự.