Người mẫu – Phía sau hào quang – Bài 2: Người mẫu qua “lò” và không qua “lò”

Muốn học nghề người mẫu không khó khi các trung tâm này nhan nhản và tiêu chuẩn tuyển chọn không quá khắt khe. Tuy vậy, nghề này khắc nghiệt ở chỗ, một lớp có 40 học viên, may ra mới có 2-3 người đủ tiêu chuẩn làm người mẫu catwalk.

>> Bài 1: Chỗ đứng của người mẫu “hạng bét”

Thời đã qua?

Nếu như cách đây bốn, năm năm, tại TP.HCM, “lò” đào tạo người mẫu có ở khắp các nhà văn hóa (NVH) quận, huyện, các đơn vị tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thì nay hầu hết những nơi như thế đã biến mất. Có những địa chỉ đã ngừng mở lớp người mẫu từ lâu nhưng vẫn chưa “kịp” dỡ bỏ biển quảng cáo, chẳng hạn như Cung văn hóa Lao động, dù trên biển quảng cáo vẫn có danh mục “đào tạo người mẫu” nhưng thật ra lớp này đã ngừng hoạt động từ ba năm nay.

Lớp đào tạo người mẫu

Ở những nơi như NVH Q.8, trước đây, lớp người mẫu được chính đơn vị này tổ chức nhưng sau đó chuyển cho một đơn vị cá nhân, đổi tên thành CLB Hoa Hướng Dương, rồi lại thành Siêu mẫu Việt và đến giờ thì đã “giải tán”. Chỉ NVH Thanh Niên, Trung tâm văn hóa Q.1 (Nhà hát Bến Thành) là còn lớp đào tạo người mẫu, nhưng cũng chỉ lớp của NVH Thanh Niên là thuộc quyền sở hữu “chính chủ”, lớp học ở Nhà hát Bến Thành là do công ty người mẫu PL thuê địa điểm đào tạo làm nguồn cho công ty.

Ở NVH Thanh Niên hiện có hai lớp người mẫu, mỗi lớp gần 40 người. Tuy nhiên, chủ trương của nơi này không hẳn hướng đến việc đào tạo và cung cấp người mẫu cho thị trường mà chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích thời trang, muốn có dáng đi đẹp cho thêm phần tự tin hay đơn giản là học cho vui, nên tiêu chí tuyển chọn thí sinh chỉ quy định về độ tuổi (từ 17-27) chứ không căn cứ vào các chỉ số hình thể như chiều cao, cân nặng.

Chương trình giảng dạy cũng không hoàn toàn chú trọng vào việc trình diễn catwalk, mà còn nhiều thứ khác không mấy liên quan như kỹ thuật cắt may, nghệ thuật diễn xuất sân khấu điện ảnh, nghệ thuật nhảy múa hiện đại, dân tộc… và chi phí chỉ 500.000 đồng cho một khóa học (ba tháng).

Ông Viết Bằng, người phụ trách chính của lớp người mẫu từ khi nó mới được thành lập từ năm 1991 cho hay: “Sở dĩ lớp học này của NVH Thanh Niên có thể tồn tại lâu dài như thế là vì chúng tôi hướng đến tính quần chúng, nghĩa là không chỉ đào tạo người mẫu thời trang mà còn nhắm đến tất cả những bạn trẻ có nhu cầu học để biết cách sử dụng trang phục, sửa dáng đi, dáng đứng… nhằm tăng thêm sự tự tin. Còn nếu để cung ứng người mẫu thì theo tôi, ba tháng học chưa đủ để trở thành người mẫu đâu, họ cần phải học thêm nhiều nữa”.

Người mẫu Xuân Lan – giám đốc công ty người mẫu Lala – gần đây cũng đã dãn dần công việc đào tạo người mẫu với lý do “không còn tâm huyết với việc này nữa” nhưng chị cũng không phủ nhận một nguyên nhân quan trọng khác: Chi phí thu lại từ việc đào tạo, cung ứng người mẫu ở thời điểm kinh tế khủng hoảng hiện nay không đủ để đắp đổi chi phí thuê mặt bằng và các khoản khác phục vụ cho việc đào tạo.

Làm mẫu trong một chương trình vẽ nghệ thuật (Body Painting)

Venus, một công ty người mẫu đình đám với việc đưa người mẫu tham dự các cuộc thi nhan sắc từ lớn đến nhỏ cũng không tham gia vào thị trường đào tạo người mẫu. Họ chỉ thuê người huấn luyện theo kiểu thời vụ để bổ túc kiến thức cho người mẫu đã ký hợp đồng độc quyền với công ty trước mỗi cuộc thi.

Theo những người hoạt động trong ngành này, có nhiều lý do khiến cho các lò đào tạo người mẫu ở TP.HCM, nơi mà hoạt động thời trang sôi nổi nhất nước, dần dần biến mất. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là sau khi mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu học và trở thành người mẫu một cách tự phát của nhiều bạn trẻ, các lò đào tạo đã dần tìm ra đúng chỗ đứng của mình.

Chỗ đứng đó được quy định bởi chính nhu cầu của xã hội và ngành thời trang. Trong tình trạng một lớp đào tạo người mẫu với khoảng 40 học viên, khi kết thúc khóa học, may lắm được 5-6 người, thường thì chỉ được 2-3 người thật sự thích hợp và đủ tiêu chuẩn để làm người mẫu catwalk, số còn lại chỉ có thể đảm nhiệm công việc khác liên quan đến người mẫu như quảng cáo sản phẩm, lễ tân, diễn viên đóng phim quảng cáo.

Do đó thay thế những lò làng nhàng, đào tạo đại trà này là các trung tâm đào tạo có đẳng cấp với mức học phí cũng đẳng cấp không kém, chẳng hạn như trường John Robert Power, là những công ty người mẫu lớn chỉ săn tìm những người đủ tiêu chuẩn thể hình để tiến hành đào tạo. Vậy những người mẫu không có hạng ở đâu ra?

Nộp đơn thành người mẫu!

Vốn là sinh viên của một trường cao đẳng về thương mại, nhưng vì thích thời trang và cũng có vóc dáng, chiều cao tạm ổn (1m70), Thúy Hường đã tham gia lớp đào tạo người mẫu của công ty PL. Sau sáu tháng học các kỹ năng trình diễn, làm việc tại PL một thời gian ngắn, cô đã ra khỏi công ty này vì không đủ thời gian cho việc học. Đồng thời, cô cũng bỏ dần các buổi diễn catwalk để đảm nhận công việc lễ tân, nhân viên tiếp thị.

Những người mẫu làm lễ tân cho event. (Ảnh: Nhiêu Huy)

Làm lễ tân cho các event lớn, Thúy Hường nhận được khoảng 500.000 đồng (thời gian làm việc là từ 2-3 tiếng), làm PG (nhân viên tiếp thị sản phẩm) cho các nhãn hàng tại các siêu thị, cô nhận được từ 140-200.000 đồng cho sáu tiếng đứng giới thiệu sản phẩm. Nhưng với cô, công việc người mẫu- mà không – phải- người mẫu này mang lại mức thu nhập còn khá hơn làm người mẫu vì người mẫu một tháng nhiều nhất cũng chỉ có bốn show còn PG và lễ tân thì có việc dài dài, bất chấp khủng hoảng kinh tế.

Khác với Thúy Hường, những người cùng làm công việc lễ tân, PG với cô chỉ là sinh viên có ngoại hình ưa nhìn, có chiều cao và muốn tìm việc làm thêm để trang trải chi phí ăn ở, học hành. Họ chẳng cần phải học đi đứng, biểu diễn mà cứ nộp hồ sơ tại các công ty quảng cáo, tổ chức sự kiện hay trung tâm giới thiệu việc làm, nếu được thuê, họ sẽ được chính các đơn vị này huấn luyện kỹ năng cần thiết cho công việc sẽ làm.

Với họ, tham gia một khóa đào tạo người mẫu là việc không cần thiết. Tuy nhiên, cũng có những cơ hội để họ bước chân đàng hoàng vào thế giới của những người mẫu “có đai có đẳng”. Trường hợp của đương kim Á hậu 1 Việt Nam Phan Hoàng Minh Thư là một ví dụ. Minh Thư được giám đốc công ty người mẫu Venus Nguyễn Khắc Tiệp phát hiện ra trong một sự kiện mà cô làm PG, lúc đó, cô thường xuyên làm thêm công việc này với mức thu nhập 200.000 đồng cho tám tiếng đứng liên tục để lấy tiền trang trải chi phí ăn học tại trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại.

Tất nhiên, để có thể đi thi hoa hậu, Minh Thư cần phải học nhiều thứ. Venus, khi nhìn thấy tiềm năng ở Minh Thư, đã đầu tư huấn luyện và cô hoàn toàn không phải bỏ ra một đồng nào, đổi lại, cô trở thành người mẫu độc quyền của Venus.

Á hậu 1 Việt Nam Phan Hoàng Minh Thư

Ở một ngành nghề ít có chiến lược phát triển từ tầm vĩ mô này, sự bùng nổ hay co cụm, suy cho cùng cũng do chính việc tự điều tiết cung – cầu của nó để thích nghi với điều kiện, nhu công ty người mẫu lớn chỉ săn tìm những người đủ tiêu chuẩn cầu của xã hội.