Tôi bị lừa khi đi xin việc
Là một sinh viên nghèo, như bao sinh viên khác, tôi mong mình có thể kiếm được 1 việc làm thêm để chi trả 1 phần học phí và các khoản sinh hoạt thường ngày. Nhưng mong ước nhỏ nhoi đó đã bị những kẻ thủ đoạn lợi dụng để moi tiền một cách không thương tiếc. Tôi xin kể ra đây trường hợp của mình để bạn đọc được biết và cảnh giác.
Với sự phát triển của ngành CNTT hiện nay, rất nhiều quảng cáo, thông báo tìm lao động ở hàng ngàn trang web mỗi ngày. Chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng bởi có nhiều cơ hội làm việc đến vậy. Nhưng không ai biết được quảng cáo nào là thật và quảng cáo nào là lừa đảo. Thậm chí ngay những trang web cho đăng những mẩu quảng cáo này cũng không hề biết rõ những công ty trên làm ăn ra sao, đó là những công ty chuyên lừa đảo hay là những công ty chân chính.
Một quảng cáo tuyển dụng trên mạng. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Đây là lần đầu tiên tôi tìm việc làm trên mạng. Trước đây, mỗi khi đọc tờ rơi quảng cáo, khi tìm đến các công ty đó, nếu công ty yêu cầu phải nộp trước một khoản tiền là tôi thường “co giò chạy mất” vì biết kiểu gì cũng sẽ bị lừa. Nhưng công việc lần này thì khác, tôi đọc được 1 quảng cáo “nhặt bóng tennis” trên mạng.
Tôi chọn một quảng cáo đăng mới nhất, tôi đọc các thông tin của mục quảng cáo và gọi điện hỏi trước (nếu nhắc đến phải nộp phí thì thôi). Một chị tiếp điện thoại và trả lời câu hỏi của tôi. Chị nói: “Em mang chứng minh thư gốc đến đây đăng ký và đi làm luôn”. Tôi thấy nói được nhận đi làm luôn thì mừng lắm, liền đến đăng ký. Đến nơi, tôi được tư vấn hết sức tận tình.
Chị hỏi tôi có thể đi làm vào những buổi nào, nói với tôi là: “Nếu bận có thể xin chuyển ngày hoặc nếu muốn có thể tăng ca…”. Sau một tràng những kiến thức cần biết về yêu cầu công việc, quyền lợi và nghĩa vụ, chị hỏi tôi có làm được không, đương nhiên tôi trả lời là: “Có”. Sau đó, chị mới nói vào “vấn đề chính” rằng: “Để đi làm, em phải đóng một khoản tiền là 180.000 đồng để công ty cấp quần áo đồng phục và làm thẻ”.
Tôi ngập ngừng trong giây lát và sau đó quyết định “nộp lệ phí”. Sau khi tôi nộp tiền, chị đưa cho tôi 1 phiếu thu, bên dưới viết: “Tiền không hoàn lại”. Và tôi nhận thêm 1 câu nói tỉnh bơ của chị: “2 giờ chiều mai, em cầm giấy đến đây để đi làm. Nếu có giấy tờ gì phải hoàn tất thì bọn chị sẽ hướng dẫn em vào ngày mai”.
Hôm sau, khi tôi đến, chị tiếp viên hôm trước nói với tôi là phía công ty bên kia đòi phải có giấy khám sức khoẻ, khoảng 130 nghìn đồng/bộ và phải nộp ngay bây giờ thì mới được nhận vào làm, nếu không có giấy đó thì tôi phải huỷ đăng ký này.
Tôi không biết nói gì hơn, chỉ có thể hỏi: “Tại sao chị không thông báo trước điều này với tôi?”. Chị nói rất tỉnh bơ: “Hôm qua chị đã nói là nếu phải làm thêm thủ tục gì thì hôm nay bọn chị sẽ hướng dẫn em mà”, tôi lặng người.
Chị tỏ vẻ thông cảm và gợi ý cho tôi 1 công việc khác là đi phát thư mời ngay nơi tôi đang cư trú hoặc là trực điện thoại cho văn phòng mỹ phẩm. Tôi đành phải chấp nhận đi phát thư mời.
Chị yêu cầu tôi viết lên hoá đơn mà tôi nhận hôm trước nội dung: “Tôi xin chuyển sang làm nhân viên phát thư mời”. Sau đó, một người đàn ông đưa tôi đi, nói là đi nhận công việc. Đây là một công ty khác, sau những lời hướng dẫn (hứa không lấy thêm bất cứ khoản nào), tôi đồng ý nhận việc.
Người đàn ông đưa tôi đến đây, yêu cầu tôi viết dưới tờ hoá đơn mà tôi đang giữ với nội dung: “Tôi đã nhận việc ở công ty B (công ty mà tôi bị chuyển đến) và không còn thắc mắc gì đối với công ty A (nơi mà tôi đã nộp tiền). Nếu tôi quay lại hoặc có thắc mắc gì với công ty B, tôi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.
Sau đó, người đàn ông biến mất để tôi lại với chị tư vấn viên của công ty mới. Chị nói rất hùng hồn: “Em vào đây không phải nộp bất cứ khoản phụ phí nào cả và được nhận công việc luôn. Bây giờ, em đưa chứng minh thư, nộp 2 ảnh 3×4 và 70 nghìn để làm thẻ nhân viên, 30 nghìn tiền sổ sách”. Tôi cứng người, không còn lựa chọn nào khác (vì không thể quay lại công ty cũ được nữa và nếu không nộp thì số tiền 180 nghìn nộp trước tôi sẽ mất không), tôi đành nộp tiền (tôi nghĩ có thể kiếm lại số tiền đó bằng cách làm thật chăm chỉ công việc này).
Chị ta viết giấy hẹn đưa cho tôi và hẹn tôi ngày mai đến nhận thư mời để đi phát. Hôm sau, khi tôi đến, chị đưa cho tôi 1 bản hợp đồng thảo sẵn và ngay lập tức xé tờ giấy hẹn mà chị yêu cầu tôi đưa lại. Trong hợp đồng ghi rõ nếu không có khách hàng nào nhận gửi trả lại thư mời về công ty thì tôi sẽ không nhận được bất cứ 1 xu nào cho dù tôi có thực sự phát hết số thư mời đó đi chăng nữa (nhưng lúc đó tôi chưa hề biết thư mời đó như thế nào, khi biết rồi thì tôi đã ký tên vào bản hợp đồng mất rồi).
Cái gọi là “thư mời” thật ra chỉ là 1 tờ A4 ghi rất sơ sài về địa chỉ công ty, không giới thiệu chi tiết gì thêm đáng để người đọc phải quan tâm. Lúc này, tôi thực sự phẫn uất, tôi biết sẽ chẳng có ai gửi lại những tờ giấy vô dụng này, mà nếu có gửi lại đi chăng nữa tôi cũng không biết. Lòng tin của tôi đã bị những con người xấu xa này lợi dụng, chà đạp không thương tiếc.
Tôi cầm những tờ giấy vô dụng đó và nghĩ đến bố mẹ, gia đình tôi trên suốt chặng đường đi bằng xe bus trở về KTX .
Đây là một bài học quá đắt giá cho tôi về lòng tin. Tôi không biết những người khác (cũng bị lừa như tôi) sau đó sẽ ra sao nhưng tôi biết ảnh hưởng của bài học này đối với tôi. Nó làm tôi không thể tập trung vào môn thi sắp tới và những bài học trên lớp. Tôi gần như không thể cười được với những người bạn trong phòng trọ của mình. Tôi sẽ lấy đâu ra tiền sinh hoạt phí cho tháng này (vì toàn bộ số tiền tôi có đã rơi vào tay của những kẻ lừa đảo xấu xa)?
Tôi mong các phương tiện truyền thông, các cơ quan chức năng có liên quan hãy cảnh báo một cách sâu rộng và có những biện pháp bảo vệ người lao động, đặc biệt là những sinh viên như tôi.