MC “đa-dzi-năng”: Lợi bất cập hại!

Khán giả vẫn yêu mến lớp MC “thế hệ vàng” của VTV như Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Long Vũ, Diễm Quỳnh, Quang Minh, Vân Anh… Giờ có người đã lui vào hậu trường làm công việc quản lý, có người đã rời truyền hình sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, người vẫn đang tiếp tục “cuộc chơi”…

Nhưng dù thế nào, tên tuổi của họ vẫn đứng trong lòng khán giả truyền hình và chưa thấy một lớp MC kế cận thay thế được hình ảnh những MC vàng ấy. Tại sao vậy?

MC Lê Anh

VTV đang sở hữu một lượng MC trẻ hùng hậu. Khó có thể kể tên tất cả MC và các chương trình họ dẫn, nhất là trong thời điểm nhà Đài ngày càng phát triển về số lượng kênh và chương trình phát sóng.

Số lượng MC nhiều, khán giả không thể nhớ hết là một chuyện nhưng chủ yếu là do MC trẻ chưa đủ độ chín để thu hút khán giả. Có một điểm mà ai cũng nhìn ra, nhiều MC trẻ lấn sân quá nhiều lĩnh vực, vô hình trung đã phá hỏng hình ảnh của họ.

Chỉ cần bật qua vài kênh, khán giả dễ dàng bắt gặp hình ảnh một MC xuất hiện không dưới tần số 3 lần/ngày. Không khó để tìm ra những trường hợp như vậy. Bật HTV2, bắt gặp một MC trẻ dẫn chương trình thiếu nhi, chuyển sang VTV1, vẫn MC ấy nhưng đang dẫn chương trình về kinh tế.

Lại MC trẻ khác, sang VTC dẫn gameshow cho trẻ em, chuyển kênh HTV2, anh chàng này đang “hoạt náo” trong gameshow cho thiếu niên, chuyển sang một kênh truyền hình Cáp, vẫn MC này nhưng đang “quảng cáo” cho các sản phẩm mua sắm.

Có MC chuyên dẫn ca nhạc, nay lại thấy xuất hiện trong một bản tin về kinh tế. Có thời điểm, khán giả liên tục gặp MC Lê Anh trên sóng, lúc thấy anh dẫn Robocon, thoắt lại dẫn các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, cuối tuần lại gặp Lê Anh trong các chương trình gameshow Chắp cánh thương hiệu rồi Hộp đen (HTV1), chưa kể cơ số lần gặp MC này trong các chương trình do các công ty tổ chức…

Nói chung, đủ cả lĩnh vực. Đến mức chính MC này cũng thừa nhận về tần số lên sóng của mình và thổ lộ “sẽ phải từ chối một số lời mời vì sức mình có hạn”.

Vì sao lại có hiện tượng các MC “đa-dzi-năng”? Có thể kể ra một vài lý do. Tuổi trẻ thường gắn liền với sự xông xáo và nhiệt tình. Đa số MC trẻ chưa biết cách nói “không”. Có thể vì cơ hội được xuất hiện trên truyền hình và được nhà Đài để mắt không phải dễ.

MC Anh Tuấn

Thêm một lý do nữa, đó là vấn đề thu nhập và cơ hội khuếch trương hình ảnh… Ôm lắm chương trình, lợi thì lợi thật nhưng thiệt hại cũng đáng kể không kém. Hình ảnh của họ sẽ trở nên nhàm chán đối với công chúng truyền hình.

Chưa kịp định hình cho mình một phong cách, họ đã vội vã tìm phong cách khác để phù hợp với tính chất của chương trình vừa đảm nhận. Chưa kịp chín với lĩnh vực này đã nhảy sang lĩnh vực khác, thành ra, lĩnh vực nào, tay nghề của họ cũng “xanh” cả.

Phải nhắc lại một chút, vào thời điểm lớp MC “thế hệ vàng” ra mắt khán giả, tuổi đời của họ cũng còn rất trẻ. Có người như Long Vũ, Anh Tuấn… vẫn đang làm cộng tác viên nhưng đã biết cách “giữ chân” khán giả. Kể ra như vậy để chứng minh rằng, về xuất phát điểm, họ cũng như các MC trẻ hiện nay.

Có khác chăng, ngày họ “trình làng” là thời điểm mới và hưng thịnh của VTV3. Nhưng không thể phủ nhận, lớp MC đó thực sự có tài và tố chất của người dẫn chương trình và họ cũng rất ý thức được việc “giữ thương hiệu” cho bản thân.

Đến tận bây giờ ở Việt Nam vẫn chưa có một lớp đào tạo chính quy về nghề dẫn chương trình. Kỹ thuật nói trước công chúng, nếu được học chẳng qua là từ các khoá đào tạo ngắn hạn do một số cá nhân, đơn vị riêng lẻ tổ chức. Kiến thức, kinh nghiệm về nghề hầu hết do các MC lão làng – những người lấy kinh nghiệm của mình đóng tập thành bài giảng – truyền lại.

Chưa được đào tạo căn bản, tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nên chăng, các MC trẻ cần học cách từ chối khi có quá nhiều lời mời đến với mình. Từ chối đúng thời điểm cũng là cách để “nâng giá” bản thân. Quan trọng hơn, từ chối để biết chắc, lĩnh vực nào thực sự là đất của mình…