Đại học chưa xong, lo “đại hành”

Thất nghiệp sau khi ra trường đang trở thành nỗi ám ảnh đối với sinh viên năm cuối. Không ít sinh viên có học lực khá giỏi vẫn mờ mịt về tương lai, nghề nghiệp của mình.

Sau khi ra trường, nhiều sinh viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp (Sinh viên Hoc viện Báo chí Tuyên truyền trong lễ tốt nghiệp 12/2008). Ảnh: N.B

Muôn nẻo thất nghiệp

Được bố mẹ ém sẵn một vị trí thuận lợi ở quê, nhưng Minh Hương (ĐH KHXH&NV Hà Nội), vẫn quyết tâm trụ lại ở Hà Nội. Phần vì khát khao cháy bỏng của bản thân, phần vì trót yêu một chàng Hà Nội.

Khi có tấm bằng cử nhân, Hương chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ hết công ty này đến công ty khác nhưng tạm thời vẫn phải làm công việc chạy bàn.

Còn Linh tốt nghiệp ngành mầm non hai năm nay. Hai cái Tết mình không dám đi họp lớp vì gặp bạn bè chúng nó cứ hỏi làm ở đâu! – Linh tâm sự.

Khánh tốt nghiệp ĐH Hàng hải không xin được việc. Cậu thuê một địa điểm trong trung tâm thành phố và cùng vợ trẻ buôn tranh ảnh.

Cũng có kiểu thất nghiệp danh giá như trường hợp của T.Hoàng (Học viện Tài chính). Hoàng tuyên bố: Lương dưới 500 đô, không làm! Đến giờ Hoàng vẫn tạm thất nghiệp, ngồi nhà chờ gọi đi phỏng vấn.

Học nhiều, biết chẳng là chi

Theo thống kê, trên cả nước có khoảng 70 phần trăm sinh viên ra trường không có việc làm ổn định hoặc không theo đúng ngành nghề lựa chọn. Không ít sinh viên có học lực khá giỏi vẫn mờ mịt về tương lai, nghề nghiệp của mình.

Nhiều trường ĐH thắt chặt quy tắc điểm danh và đi học đúng giờ, các thầy cô yên tâm rằng sinh viên luôn có mặt đầy đủ trên lớp nhưng thực chất chỉ là đối phó, chiếu lệ. N.B, sinh viên năm cuối ngành Luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, ngày nào cũng đều đặn lên giảng đường, tra cứu sách ở thư viện và không ngừng cày đêm trước mỗi kỳ thi.

Được hỏi đến việc xác định công việc sắp tới, N.B bối rối: Có những môn mình được điểm tốt. Đến học kỳ sau, khi mấy em khóa dưới hỏi bài thì chẳng còn nhớ được gì nữa. Chẳng biết ra trường thì sẽ làm gì. Chắc phải học thêm văn bằng nữa.

Hàng loạt đồ án, khóa luận tốt nghiệp hiện nay đều chỉ là sản phẩm của công nghệ copy – paste. Các cửa hàng photocopy luôn sẵn lòng phục vụ thượng đế với bản sao lưu đồ án, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên năm trước.

Có chuyện sinh viên H.C phát khóc trong ngày bảo vệ khóa luận vì bị hội đồng giám khảo đặt nhiều câu hỏi phản biện hóc quá, không ngờ sau đó vẫn được điểm 9. Một giảng viên cho biết: Cả bốn năm sinh viên dồn sức cho ngày này. Mình chấm điểm thấp thì tội quá!”(?!).

Nhiều người chọn ngành học do cảm tính, do thấy thinh thích, hoặc quá mơ mộng với những nghề thời thượng mà không xác định rõ xem nó có thật sự phù hợp với mình.

Có trường hợp sinh viên báo chí ra trường nhưng vẫn không viết nổi một cái tin. Như trường hợp của H.S thì chưa từng một lần sử dụng đến email hoặc lên mạng tìm kiếm tài liệu.