Cô gái bị tạt a-xít và vụ xét xử hy hữu
Mặt Ameneh Bahrami đầy sứt sẹo. Bên phải là mắt giả thủy tinh, bên trái lộ ra một hốc mắt sâu hoắm. Mặc dù vậy, hàng ngày cô vẫn chịu khó trang điểm, tô son đỏ cho đôi môi của mình.
Một gã đàn ông thất tình đã tạt a-xít vào khuôn mặt xinh đẹp của cô. Theo luật Sharia, tòa án ở Iran đã ra phán quyết cho phép Bahrami tự tay làm mù hai mắt gã đàn ông đó – cũng bằng axít. Đây quả là một vụ xét xử hy hữu trong lịch sử tư pháp.
“Tội ác trả bằng tội ác”
Với một lọ a-xít có giá tính ra chưa đầy 5 USD, Madshid Mohawedi đã tạt dung dịch hóa chất tệ hại này vào mặt kỹ thuật viên điện tử Ameneh Bahrami, khi ấy mới 26 tuổi, vì cô… không chịu yêu hắn. Bahrami bị biến dạng hoàn toàn gương mặt, lưỡi và thậm chí cả một phần hốc mũi cũng bị sứt sẹo. Sau khi bị tạt a-xít, cô được đưa tới hết bệnh viện này đến bệnh viện khác ở Iran, nhưng đa số đều điều trị sai phương pháp.
Vì thế mới đây những người hảo tâm đã tìm cách đưa Bahrami sang Barcelona, Tây Ban Nha, để chữa trị ở một bệnh viện chuyên ngành. Mặc dù đã hết sức cố gắng, những chuyên gia thuộc loại hàng đầu thế giới ở đây cũng không thể cứu vãn được con mắt còn lại của cô. Hiện thời Bahrami, mới bước sang tuổi 31, chỉ còn hy vọng cuộc phẫu thuật thứ 17 sắp tiến hành sẽ phục hồi được một phần khuôn mặt mình.
Ameneh Bahrami cầm trên tay bức hình chụp cô khi chưa bị tạt a-xít
Trong khi đó, sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Tòa hình sự số 71 ở Tehran đã xét xử thủ phạm Madshid Mohawedi và theo luật Sharia của Cộng hòa Hồi giáo Iran, tòa tuyên án người đàn ông này sẽ bị trừng trị theo đúng cách mà hắn gây tội ác. Luật Hồi giáo Sharia gọi hình thức xử tội này là “qisas” (tội ác trả bằng tội ác). Bahrami bị mất hai mắt, nên tòa án ra phán quyết Mohawedi sẽ bị nhỏ vào mỗi con mắt 5 giọt a-xít sulfuric sau khi hắn đã được bác sĩ tiêm thuốc mê.
Vụ xét xử hy hữu này lập tức được các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây đua nhau đăng tải. Hầu hết các báo đều coi đây là một dẫn chứng tiếp theo cho sự “man rợ” của luật Sharia: Ngoài ném đá cho đến chết cũng như các kiểu hành hạ về thể xác khác, giờ đây lại còn có cả việc làm mù mắt bằng a-xít. Ý kiến chung cho rằng hình thức để nạn nhân xử kẻ gây tội ác theo cách trả thù này là “hủ lậu”, “phi nhân tính”…
Răn đe những “công dân hạng nhất” vũ phu
Lường trước được phản ứng nói trên của cộng đồng quốc tế, Tòa hình sự 71 và thậm chí trực tiếp chánh án Tòa tối cao Iran M. S. Shahrudi đã tìm mọi cách thuyết phục Bahrami không yêu cầu áp dụng hình thức xử tội “qisas” và đề nghị cô nhận một khoản tiền bồi thường tương đương gần 30.000 USD.
Nhưng Bahrami không chịu đổi ý. Cô nêu rõ, đây là một trường hợp đặc biệt, không giống như các vụ xét xử khác theo luật Sharia. Bahrami khẳng định cô muốn áp dụng hình thức “qisas” của luật này “không phải để báo thù, mà là nhằm mục đích răn đe”.
Cô nói: “Tôi không muốn lại có những phụ nữ Iran khác cũng lâm vào tình cảnh khốn khổ như mình”. Bahrami cho rằng cần phải trừng phạt mạnh mẽ như vậy để làm gương, nhằm bảo vệ những người phụ nữ ở Iran và các nước Hồi giáo khác, nơi đàn bà con gái vẫn bị coi là “công dân hạng hai” và chuyện tạt a-xít hủy hoại sắc đẹp phụ nữ thường xuyên xảy ra.
Bahrami với khuôn mặt bị biến dạng
Tự tay “thi hành án”
Tóm lại, phán quyết “làm mù mắt Madshid Mohawedi bằng cách nhỏ a-xít” hiện vẫn có hiệu lực. Vậy khi nào nó được thi hành? Bahrami cho biết sau khi được phẫu thuật một lần nữa ở Barcelona trong tháng 6 này, cô sẽ bay về Tehran để tiến hành bản án.
Gia đình Bahrami thuộc diện “thấp cổ bé họng” và cha cô đã nghỉ hưu. Mẹ cô nói: “Thủ phạm không có một lời xin lỗi nào với chúng tôi về hành động của hắn và gia đình hắn cũng thế. Bây giờ, họ nghĩ rằng chỉ cần bỏ ra một ít tiền là cứu được cặp mắt của Madshid”.
Bahrami muốn tự tay “thi hành án”. Mặc dù đã bị mù nhưng trong thời gian qua, cô vẫn tự tay nhỏ thuốc vào hốc mắt bên trái. Do đó, cô cũng có thể tự tay nhỏ a-xít vào mắt Mohawedi. Mẹ của Bahrami đã yêu cầu được làm việc này thay cho con gái nhưng cô từ chối.
Bác sĩ Tây Ban Nha Ramon Medel, người điều trị cho Bahrami, ca ngợi cô là một phụ nữ mạnh mẽ và dũng cảm. Mặc dù rất đau đớn qua những lần phẫu thuật nhưng cô vẫn xin tiếp tục điều trị. Về chuyện Bahrami quyết định tự tay làm mù mắt Mohawedi, bác sĩ Medel nhún vai nói: “Tôi cũng không rõ mình sẽ nghĩ thế nào nếu chẳng may con gái tôi cũng bị tạt axít như vậy”. Tuy nhiên trong thâm tâm ông mong muốn ở phút chót, Bahrami sẽ tha thứ cho kẻ gây ra tội ác và nhận tiền bồi thường.