Vừa “nhắm mắt”, vừa mở cửa sổ

Đối với nam thanh nữ tú có ăn có học càng không thể chấp nhận được.

Hôm qua đi xe bus về thăm nhà bố mẹ, tớ bắt xe ở Kim Mã, nhảy lên ngồi lim dim ngủ chờ xe chạy. Vì là ngày cuối tuần nên xe khá đông, tớ ngồi một lúc đã kín chỗ, lố nhố kẻ đứng người ngồi.

Gần chỗ tớ là một “toán” các cô gái trông cách ăn mặc, nói năng, đeo kính, đeo cặp thì rõ là sinh viên đại học về thăm nhà. Nhưng hành vi của các cô này thì làm tớ không thể hiểu được họ chứa cái gì trong hộp sọ, họ học cái gì ở trường! Và tớ còn thắc mắc thêm là đi học mà vẫn cư xử thế thì đi học làm cái gì chứ?

Cô thứ nhất: chậm rãi ăn xong một cái bánh mì sachi và một hộp sữa, mở cửa sổ xe bus, ngó trước ngó sau, thả luôn cái túi bóng đựng bánh và hộp sữa cuốn theo chiều gió, rồi phủi tay, đóng cửa, cười duyên, khoanh tay trước ngực, ngủ.

Cô thứ hai: thấy một chị mang theo đứa con nhỏ vừa uống sữa xong, định nhoài người qua ghế để… học tập cô thứ nhất, thì cô thứ hai (đang đứng) vồn vã: “Chị để em!”, rồi nhận hộp sữa từ chị thả ngay xuống đường. Sau khi hoàn tất hành động đó, từng thớ thịt trên mặt cô như căng phình lên, giật giật một cảm giác sĩ diện như vừa làm một việc cứu nhân độ thế.

Cô thứ ba: cô này có vẻ bị say xe, đứng trầm ngâm nhất nhóm, đến nửa đường thì rút cái túi nilon màu hồng ra oẹ vào đấy một chặp… rồi bất thần chơi luôn cái gói đó qua cửa xe xuống đường, xong rồi làm một cử chỉ như là mình vừa mới thoát khỏi một cái gì bẩn thỉu lắm.

Tớ ngồi mà lộn cả ruột, chẳng lẽ lại nói cho mấy câu. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại thôi. Chúng nó đông như thế, mồm năm miệng mười mình đỡ thế nào được. Với lại, hình như bây giờ phong cách sống là nó phải như thế, vì mấy người ngồi đấy ai cũng tỏ ra đó là chuyện bình thường. Có người còn giúp các cô đóng mở cửa xe khi ném rác, mình nói họ lại bảo thằng hâm. Thế là tớ đành an phận hèn, ngồi nghĩ mông lung về hoạt động ném rác.

Tớ tự hỏi tại sao mọi người lại ném rác đi? Khi những cái túi bánh mì, hộp sữa, ống hút, nilon chưa bị vứt đi thì nó đều là những vật có ích, sạch sẽ, và không phải là rác. Những thứ này đều là do người vứt nó đã bỏ tiền ra mua, và nó cũng không hề bẩn hay mất vệ sinh khi còn ở trên tay người vứt nó. Vậy tại sao người ta lại phải vứt? Tại sao người ta không giữ nó mãi mãi hoặc giữ nó đến khi đến một chỗ vứt rác phù hợp?

Câu trả lời của tớ là do thói lười biếng và sự sĩ diện. Lười là muốn chối bỏ trách nhiệm với một vật thuộc sở hữu của mình mà mình không cần dùng đến nữa. Lười là luôn muốn cơ thể mình hoàn toàn thanh thản tay chân không bị ràng buộc, cầm nắm bất cứ thứ gì, đầu óc không phải để ý tìm nơi vứt đúng quy định.

Sĩ diện là muốn cho mọi người thấy mình là người sạch sẽ, mình không chịu được khi phải cầm những thứ rác rến đấy trên tay. Người sành điệu phải là mặc đồ hiệu đeo kính đen tay cầm iphone3G chứ chẳng ai lại cầm hộp sữa bò rỗng ruột nhỉ, bẩn chết, người ta cười cho chết!!!

Vứt rác một phần khác cũng là do yếu tố lịch sử của hành vi này. Nhiều người thực hiện hành vi vứt rác theo thói quen, ăn vào tiềm thức từ thời xa xửa xa xưa. Loại hình vứt rác này phổ biến trong số người già, trung tuổi, và những người ở vùng quê. Tính lịch sử của hành vi này thể hiện ở chỗ xưa kia ở vùng quê đất rộng người thưa, các loại vật liệu còn nghèo nàn, quanh đi quẩn lại chỉ có tranh, tre, nứa, lá, cây, cỏ, cùng lắm đến giấy là loại vật liệu văn minh nhất rồi… nên mọi người vứt rác chẳng sao!

Ờ hờ, rác vứt đi toàn là bã mía, vỏ quýt, hạt mít, rễ rau… chỉ vài ba bữa là phân huỷ ngay lại trở về với đất, còn làm đất màu mỡ phì nhiêu. Có khi ăn hoa quả xong vứt hạt đi lại nảy thành cây mới đỡ phải mất công trồng sau này con cháu tha hồ hưởng. Thế nên khi khoa học phát triển, nilon, nhựa, cao su, polime đến từng gia đình thì những người vứt rác theo kiểu truyền thống này dường như chưa thể hiểu được rằng những thứ họ vứt đi sẽ còn ở lại đấy tới hàng chục năm, hàng trăm năm, hàng nghìn năm mới phân huỷ được. Họ không bắt kịp với sự thay đổi của chất liệu và tư tưởng “vứt rác chả sao” cũng đã ăn quá sâu vào tiềm thức của họ rồi… Nên họ cứ vứt vậy thôi!

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì hành vi vứt rác ở nơi công cộng cũng là không chấp nhận được, mà đối với những nam thanh nữ tú có ăn, có học thì lại càng trăm lần không chấp nhận được hơn.

Chuyện Tàu có kể con cá ở trong ao Phật ngày ngày nghe tụng kinh mà cũng trở thành đắc đạo. Thế mà những cô những chú được gia đình cho ăn học, ngày ngày được nghe đủ loại kinh kệ tối về lại online luyện chưởng thâu đêm, “rèn đức luyện tài” kinh như thế mà vẫn có những hành vi không thể… ngửi được.

Trước khi vứt rác, hãy nhớ rằng chả ai bảo là bạn sạch khi bạn vứt cái bẩn của mình ra chỗ không phải là của bạn rồi phủi tay vô trách nhiệm.

Những thứ rác mà bạn vứt nó sẽ vẫn nằm chình ình ngay trên cái giá trị con người của bạn đấy!

***

Phew, nhân kể chuyện đi xe bus tớ bonus các bạn thêm vài chuyện nhỏ: Dạo này đi xe bus với tớ trở nên stress quá. Lúc lên thì phải cãi nhau với thằng cha bán vé đưa cho mình cái vé cũ đã xé rồi. Xong rồi khi đứng chen chúc thì lại nhớ chuyện mấy đồng chí lợi dụng móc túi ở bến xe mới chiếu trên ti vi.

Cơ mà khổ, trên người mặc độc cái áo T-shirt không có túi nên ví phải để ở túi sau quần bò. Đứng chen chúc thỉnh thoảng lại va chạm với mấy chú xung quanh thì cũng hãi, thế là cả đường đi phải “thức nhọn giác quan”… mông để canh cái ví còi của mình. Có tí tiền mà khổ thế đấy! Stress thật!